Đúng 6h sáng 1/7, chuông và trống Bát Nhã đồng loạt vang lên tại hàng nghìn ngôi chùa, cơ sở tự viện trong ngày đầu tiên vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp trong cả nước.
Sáng 1/7, hàng nghìn ngôi chùa, cơ sở tự viện trên khắp mọi miền Tổ quốc thỉnh chuông, trống cầu nguyện Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa.
Tại Chùa Việt Nam Quốc Tự (quận 10, TPHCM), nơi đặt trụ sở Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM, không khí diễn ra vô cùng trang nghiêm.
Hồi chuông đầu tiên được thỉnh lên đúng 6h. Đây là thời khắc mang ý nghĩa thiêng liêng: khởi đầu cho một giai đoạn mới trong tiến trình cải cách hành chính và phát triển đất nước.
Sau Nghị quyết được Quốc hội thông qua, từ ngày 1/7, cả nước chính thức triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Số đơn vị hành chính cấp tỉnh giảm từ 63 xuống còn 34.
Đây là bước ngoặt lớn về tổ chức bộ máy hành chính, kỳ vọng nâng cao hiệu quả quản lý, tinh gọn bộ máy, giảm chồng chéo chức năng và tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
“Đây là thời điểm lịch sử, và việc cầu nguyện bằng hồi chuông Bát Nhã thể hiện tinh thần đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam”, Hòa thượng Thích Lệ Trang, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TPHCM, cho biết.
Nhiều người dân đến từ sáng sớm, ông Nguyễn Rô (phường Diên Hồng) cho biết bản thân vô cùng hạnh phúc khi được sống trong thời khắc này. “Nghe tiếng chuông sáng nay, tôi hạnh phúc và bình yên vô cùng. Một hồi chuông mà nghe như cả đất nước đang chuyển mình. Tôi mong con cháu lớn lên trong một xã hội an toàn, có đạo đức, có lòng thương nhau”, ông Rô chia sẻ.
Trong tiếng chuông và tiếng trống Bát Nhã vang vọng, chư tăng ni và Phật tử đồng lòng chắp tay khấn nguyện: cầu cho quốc gia an ổn, nhân dân an cư lạc nghiệp, các cấp chính quyền vận hành hanh thông.
Trần Thị Thanh Vân (phường Phú Định), chia sẻ: “Là một người trẻ, em mong muốn đất nước ngày càng phát triển hơn, chúng em cũng sẽ cố gắng học tập, góp sức mình cho đất nước Việt Nam tươi đẹp”.
Trong ngày này, bên cạnh việc thỉnh chuông, trống, nhiều ngôi chùa, cơ sở tự viện còn tổ chức tụng kinh, cầu an, với sự tham gia của chư tăng ni và đông đảo Phật tử. Hoạt động không chỉ mang giá trị tín ngưỡng, mà còn là hình thức đồng hành cùng đất nước trong quá trình chuyển đổi và phát triển.
Người dân, Phật tử và du khách có thể ghé thăm các ngôi chùa, cơ sở tự viện trên khắp cả nước để nhất tâm cầu nguyện, trải nghiệm những thời khắc quan trọng của lịch sử vào sáng 1/7.
Việc các ngôi chùa đồng loạt cử hành ba hồi chuông, trống Bát Nhã thường được thực hiện vào các dịp lễ trọng đại như: Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, lễ Phật đản, Vu lan, rằm tháng Giêng, cùng nhiều thời điểm quan trọng trong năm. Đây là nét đẹp tâm linh thể hiện truyền thống yêu nước, đạo lý “hộ quốc an dân” gắn bó mật thiết giữa đạo pháp và dân tộc.
Tiếng chuông sáng 1/7 không chỉ vang trong không gian mà còn vọng vào tâm thức mỗi người. Trong thời khắc giao thoa của đất nước, hồi chuông ấy như nhắc nhở: dù đổi mới ra sao, một đất nước muốn vững mạnh vẫn phải được đặt trên nền tảng đạo đức, từ bi và đoàn kết.