“Khi phát động phong trào, nhà trường đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của xã, phụ huynh và học sinh. Mỗi ngày, có rất nhiều phụ huynh khi đưa con đến lớp đã nán lại đút thêm hai nghìn đồng vào chú lợn chung của trường với mong muốn góp thêm tấm lòng chia sẻ với khó khăn của học sinh, giáo viên toàn huyện”, cô Lò Thị Mai, Hiệu trưởng Trường Mầm non Chà Nưa cho hay.
Từ ngày phát động phong trào đến nay, trên bàn làm việc của Bí thư Huyện ủy Nậm Pồ - Lê Khánh Hòa luôn thường trực một chú lợn đất xinh xắn. Ngày nào ông cũng để dành một số tiền để “nuôi” lợn đất.
Với nhiều kỳ vọng, ông Hòa cho biết: “Huyện mong muốn trong 1 năm sẽ huy động được 1,5 đến khoảng 2 tỷ đồng để hỗ trợ cho các em học sinh và cải thiện cơ sở vật chất cho nhà trường. Tiết kiệm 2.000 đồng mỗi ngày cho giáo dục là phong trào thực hiện theo tư tưởng tiết kiệm của Bác. Trong kháng chiến Đảng và Nhà nước đã phát động hũ gạo kháng chiến, hiện nay huyện phát động phong trào này để mỗi cán bộ, công chức, viên chức và mỗi gia đình chung tay thực hiện. Toàn bộ số tiền tiết kiệm sẽ được Hội Khuyến học huyện tiếp nhận vào dịp đầu mỗi năm học mới để hỗ trợ các nhà trường và học sinh có hoàn cảnh khó khăn”.
Cảm ơn sự ủng hộ của giáo viên, học sinh và nhân dân trên địa bàn, ông Ngô Xuân Chiến, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nậm Pồ, cho biết: “Huyện có hơn 20 nghìn học sinh hầu hết đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số, rất nhiều em có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt. So với các huyện, thị xã khác trong tỉnh, đời sống, điều kiện học tập, giảng dạy của giáo viên, học sinh Nậm Pồ còn khó khăn hơn rất nhiều. Nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ nhiệt tình của nhân dân trong phong trào này không chỉ học sinh, mà cán bộ, giáo viên có hoàn cảnh khó khăn sẽ có thêm điều kiện yên tâm dạy và học”.
Phong trào “Tiết kiệm hai nghìn đồng mỗi ngày cho giáo dục” là một trong nhiều hành động thiết thực nhằm khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái. Với hai nghìn đồng mỗi ngày, những chú lợn đất mang theo kỳ vọng sẽ giảm bớt khó khăn và từng bước nâng cao chất lượng giáo dục ở huyện nghèo vùng biên giới Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên.