Đoạn video sau khi được đăng tải trên mạng đã thu hút rất nhiều bình luận trái chiều. Một số ý kiến tỏ ra đồng cảm với người mẹ vì cho rằng "kèm con học là công việc tốn sức nhất trên đời". Một cư dân mạng cho hay: "Mọi người có thể chỉ trích bà mẹ này nhưng phải tận tay kèm con học mới biết mất bình tĩnh, bực tức thế nào".
Tuy nhiên đa phần cư dân mạng đều không đồng tình và chê trách bà mẹ này không biết cách quản lý cảm xúc của mình.
"Đánh vì lợi ích của con, vì muốn con học hành tiến bộ là lời nói dối tệ nhất. Chẳng nhẽ cứ bực mình, không kìm chế được là lại đánh con? Khi bạn đi làm, gặp khách hàng khó chiều, bạn có lao vào đánh khách hàng không? Khi bị sếp mắng, ức chế, bạn có đánh lại sếp không?
Chắc chắn là không dám rồi? Bạn chỉ dám làm điều này với đứa con mình sinh ra thôi? Vì sao ư? Vì bạn luôn cho rằng mình là cha mẹ và có quyền lực tối thượng. Hãy thử nghĩ mà xem, khi còn là học sinh, cũng có lúc bạn rất chăm học nhưng lại không thể tiếp thu kiến thức, không thể đạt điểm tốt.
Vậy tại sao lúc nào bạn cũng áp đặt con mình phải học thật tốt? Đó là bạn đang áp đặt ước mơ của mình lên con đấy thôi! Bạn so sánh con mình với 'con nhà người ta' ư? Nhìn xem, 'cha mẹ người ta' đều biết kiềm chế cảm xúc, có tình cách ổn định, tôn trọng và thấu hiểu con mình. Bạn đã làm được như thế chưa?", cư dân mạng để lại bình luận.
Thực tế, sự giáo dục của cha mẹ đối với học sinh không chỉ về điểm số mà còn về phẩm chất, đạo đức, cách đối nhân xử thế. Nếu cha mẹ không quản lý tốt cảm xúc của mình thì làm sao có thể yêu cầu con có thái độ sống tốt và chỉ số EQ cao?
Theo các chuyên gia giáo dục, cha mẹ không ổn định về mặt cảm xúc, thiếu bình tĩnh, dễ nóng giận sẽ giáo dục nên những đứa trẻ nổi loạn, bạo lực, trầm cảm và có lòng tự trọng thấp. Để làm được điều này, cha mẹ cần phải làm gương cho con cái. Muốn con có thái độ học tập tốt thì chính cha mẹ cũng phải như vậy. Nếu yêu cầu con đọc sách mà cha mẹ lúc nào cũng chăm chăm nghịch điện thoại thì sao có thể tạo nên một bầu không khí học tập trong gia đình?
Bên cạnh đó, cha mẹ cần phải học cách chấp nhận rằng: Có thể con mình chỉ là một đứa trẻ bình thường, không phải thiên tài, thần đồng gì. So với điểm số, con cần phát triển nhiều điều hơn, đó là trí tuệ cảm xúc, chỉ số vượt khó, thể chất khỏe mạnh,... Đừng dồn ép quá mức khiến con cái gặp phải các vấn đề về tâm thần rồi mới hối hận thì đã quá muộn.