Giáo dục

Hành trình theo 'địa chỉ đỏ'

06/05/2024 07:48

Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) tỉnh Điện Biên có chất lượng dạy và học đứng đầu trong khối các trường THPT không chuyên của địa phương...

Là ngôi trường có gần 70 năm xây dựng và trưởng thành, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) tỉnh Điện Biên có chất lượng dạy và học đứng đầu trong khối các trường THPT không chuyên của địa phương.

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Báo Giáo dục và Thời đại có cuộc trò chuyện với cô Phạm Thị Thanh Huyền, Phó Hiệu trưởng nhà trường về hành trình giáo dục tình yêu lịch sử tại những “địa chỉ đỏ”.

Đẩy mạnh hoạt động về nguồn

- Năm 2024, cả nước hướng tới kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Đóng chân trên mảnh đất lịch sử, Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên xây dựng kế hoạch giảng dạy, tập trung vào nội dung và hoạt động gì, thưa cô?

Cô giáo Phạm Thị Thanh Huyền sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống nghề giáo nên ngay từ nhỏ bản thân đã có ước mơ trở thành cô giáo. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, cô thi đỗ Khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ra trường năm 2003, cô được phân công công tác tại Trường PTDTNT tỉnh Lai Châu (nay là Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên) - ngôi trường có bề dày truyền thống thành tích và là điểm sáng của giáo dục dân tộc ở tỉnh Điện Biên. Đội ngũ giáo viên luôn đoàn kết, nhiệt tình, có trách nhiệm cao trong công việc. Các em học sinh người dân tộc thiểu số rất chăm ngoan, có ý thức tốt...

- Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên tiền thân là khu ký túc xá Châu Mường Lay được thành lập vào tháng 10/1956. Vươn mình từ bao gian khó và gặt hái được nhiều “quả ngọt”, nhà trường tự hào khi được Đàng, Nhà nước trao tặng danh hiệu “Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới”.

Năm 2024, kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, nhà trường phát động phong trào thi đua Hai tốt: Dạy tốt - học tốt. Qua đó, kết quả đạt được đáng ghi nhận: Tỉ lệ học sinh lớp 12 có học lực khá, giỏi đạt gần 90%; học sinh lớp 10, 11 xếp loại học tập Đạt trở lên chiếm trên 99,6%.

Học sinh trường tham gia dự thi kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hóa cấp tỉnh đạt 182 giải, chất lượng và số lượng giải xếp thứ hai khối các trường THPT toàn tỉnh. 11 thầy cô tham gia hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh được công nhận. Tại Cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh THPT đạt 1 giải Nhất và 1 giải Ba; có 1 sản phẩm dự thi cấp quốc gia.

Nhà trường tham gia và đạt giải cao trong các cuộc thi do Sở GD&ĐT cũng như các ban ngành phát động: Giải Nhất gameshow Âm vang Điện Biên; giải Nhì Hội thi Dân vũ học đường và vũ điệu đường phố; Đạt giải A và giải B Cuộc thi nghệ thuật xòe Thái; giải Đặc biệt, giải A và 3 giải B Cuộc thi trình diễn trang phục dân tộc trong khuôn khổ Lễ hội Hoa Ban.

Cùng với đó, nhà trường cũng tổ chức hoạt động trải nghiệm “Theo dấu chân người chiến sĩ Điện Biên”; Tổ chức chương trình: Chiến thắng Điện Biên Phủ bản hùng ca của thời đại Hồ Chí Minh; chương trình giới thiệu sách nằm trong chuỗi hoạt động phong trào hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024 với chủ đề “Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ”.

Ngoài ra, nhà trường tổ chức cho học sinh tham gia hoạt động vệ sinh môi trường tại các di tích lịch sử trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ. Tu sửa trồng hoa tại Đường 7/5 tạo cảnh quan môi trường.

Cô Phạm Thị Thanh Huyền.
Cô Phạm Thị Thanh Huyền.

- Cùng với giảng dạy, hoạt động về nguồn, giáo dục tại địa chỉ đỏ được trường triển khai ra sao?

- Nhà trường chỉ đạo Đoàn thanh niên phối hợp giáo viên chủ nhiệm tổ chức các buổi tham quan, trải nghiệm tại các di tích lịch sử: Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đồi A1; tổ chức các buổi thắp hương tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Đền thờ liệt sĩ ở chiến trường Điện Biên phủ; Nghĩa trang A1...

Chương trình Chiến thắng Điện Biên Phủ bản hùng ca của thời đại Hồ Chí Minh được nhà trường tổ chức với sự tham gia của Đơn vị kết nghĩa Cụm kho K79; Ban Quản lý di tích Điện Biên Phủ. Với sự sáng tạo, học sinh nhà trường đã thể hiện hình tượng các nhân vật anh hùng: Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót; Trần Can thông qua các tác phẩm: “Hò kéo pháo”; hoạt cảnh Trần Can...

Chương trình còn được vinh dự đón tiếp cựu chiến binh Phạm Đức Cư - nguyên cán bộ thông tin Tiểu đoàn 394, Trung đoàn Pháo cao xạ 367, Đại đoàn 351. Qua câu chuyện được chia sẻ đã giúp các bạn học sinh hiểu hơn về những ngày gian khó của quân đội ta đặc biệt là câu chuyện kéo pháo vào trận địa trong chiến dịch Điện Biên Phủ; tấm gương hi sinh anh dũng của anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Tô Vĩnh Diện. Qua những câu chuyện ấy, học sinh hiểu sâu sắc hơn truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của dân tộc.

Hoạt động trải nghiệm “Theo dấu chân người chiến sĩ Điện Biên” được nhà trường tổ chức cho 50 cán bộ giáo viên, nhân viên và các em học sinh nhà trường với sự tham gia, kết hợp của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Điện Biên – Ban Quản lý di tích Điện Biên Phủ và Đơn vị kết nghĩa Cụm kho K79 tại Tượng đài kéo pháo trong chiến dịch Điện Biên Phủ ở xã Nà Nhạn, thành phố Điện Biên Phủ với nhiều nội dung: Hành quân chiến sĩ, Chiến sĩ anh nuôi và chiến sĩ thể hiện tài năng qua phần thi “Vui chiến sĩ”…

Ngoài ra, các em học sinh, cán bộ giáo viên nhà trường cùng các chiến sĩ Cụm kho K79 còn được tham quan, nghe giới thiệu tại khu nhà trưng bày các hiện vật tại di tích lịch sử con đường kéo pháo bằng tay trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Chính những hoạt động trải nghiệm, giáo dục tại các “địa chỉ đỏ” đã giúp bồi dưỡng lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc và lòng biết ơn sâu sắc của cán bộ, giáo viên và học sinh trước những hi sinh của thế hệ cha ông. Thông qua các hoạt động góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc học tập, rèn luyện và xây dựng quê hương đất nước.

Chương trình Chiến thắng Điện Biên Phủ bản hùng ca của thời đại Hồ Chí Minh. Ảnh: NTCC
Chương trình Chiến thắng Điện Biên Phủ bản hùng ca của thời đại Hồ Chí Minh. Ảnh: NTCC

Đem đến những điều mới mẻ

- Được cho là môn khó với nhiều số liệu khô khan, vậy để lan tỏa niềm đam mê môn Lịch sử đến học sinh, cô đã sáng tạo trong từng bài giảng như thế nào?

- Đối với nhiều người, Lịch sử là một môn học khô khan. Và với học sinh cũng vậy, khi các em không đam mê, nó sẽ là một môn học khó với nhiều số liệu, sự kiện, mốc thời gian… Vì vậy, tôi đã cố gắng để lan tỏa niềm đam mê bộ môn Lịch sử đến học sinh, ngay từ những ngày đầu đến lớp với nhiều bài giảng hay, tiết học thú vị, gắn lịch sử với cuộc sống.

Điều đó càng có ý nghĩa hơn khi các em được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Điện Biên lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Mỗi tiết học, tôi đều mang đến cho học trò những điều mới mẻ về cách tiếp cận kiến thức, vấn đề bài học bằng nhiều phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực. Cách giảng dạy mới mẻ, cuốn hút đã phát huy được tính chủ động, sáng tạo của học sinh. Việc tổ chức đa dạng các hình thức dạy học giúp các em càng hiểu hơn, thêm yêu lịch sử của dân tộc mình.

Tiết học Lịch sử của cô trò Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên. Ảnh: NTCC
Tiết học Lịch sử của cô trò Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên. Ảnh: NTCC

- Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên ghi dấu ấn với nhiều thành tích trong các kỳ thi cấp tỉnh, quốc gia. Cô có thể chia sẻ bí quyết rèn học sinh?

- Với tuyển sinh đầu vào chất lượng, hằng năm, tỷ lệ học sinh Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên có học lực khá, giỏi chiếm trên 80%; học sinh có hạnh kiểm Khá, Tốt chiếm trên 98%. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT luôn đạt 100%; điểm trung bình các môn thi vượt xa mặt bằng chung toàn tỉnh, xếp thứ nhất khối các trường phổ thông không chuyên.

Một trong những thành tích nổi bật của trường là trong các kỳ thi học sinh giỏi. Trong 10 năm gần đây, số lượng học giỏi cấp tỉnh các môn văn hóa và giải toán trên máy tính cầm tay đạt gần 2.000 giải, xếp thứ nhất khối các trường phổ thông không chuyên. Trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2023 - 2024 vừa qua, nhà trường cũng đón nhận tin vui khi có học sinh đạt giải Ba môn Ngữ văn.

Chất lượng bồi dưỡng học sinh giỏi môn Lịch sử - GDCD cấp tỉnh của cá nhân tôi luôn được giữ vững. Trong 6 năm (từ năm học 2015 - 2016 đến năm học 2021 – 2022), đã có 102/106 lượt học sinh do tôi ôn luyện dự thi học sinh giỏi cấp tỉnh đạt giải (chiếm 96,2%) trong đó có 5 giải Nhất, 23 giải Nhì, 46 giải Ba, 28 giải Khuyến khích. Chất lượng ôn thi của cá nhân luôn đứng trong tốp đầu của toàn tỉnh, góp phần không nhỏ nối dài vào bảng vàng thành tích trong công tác ôn thi học sinh giỏi chung của nhà trường.

Nói về “bí kíp” để đạt được kết quả đó, chắc có lẽ là do phương pháp giảng dạy phù hợp, phát huy được tính chủ động, sáng tạo của học sinh. Khi các em có đam mê với môn học, thì kết quả đạt được là xứng đáng. Tuy nhiên, một lần nữa phải khẳng định lại, chất lượng của học sinh Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên là một trong những yếu tố then chốt để đạt được thành tích đáng tự hào.

Cô Huyền (ngoài cùng bên phải) chụp ảnh cùng học sinh trong chương trình Âm vang Điện Biên. Ảnh: NTCC
Cô Huyền (ngoài cùng bên phải) chụp ảnh cùng học sinh trong chương trình Âm vang Điện Biên. Ảnh: NTCC

- Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đặt ra những thách thức mới với người thầy, theo cô để dạy tốt môn Lịch sử một giáo viên cần những yếu tố gì?

- Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhằm thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Chính vì vậy, yêu cầu mỗi cán bộ quản lý, giáo viên phải tự đổi mới để đáp ứng yêu cầu của Chương trình.

Theo đó, không chỉ giáo viên Lịch sử, mà tất cả các giáo viên khác đều phải luôn nêu cao tinh thần tự học, tự bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, không ngừng nghiên cứu tìm tòi, đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá... nhằm nâng cao hiệu quả dạy học đáp ứng Chương trình GDPT 2018.

Bên cạnh đó, tích cực, chủ động trong việc tiếp thu các chuyên đề về đổi mới giáo dục. Trong giảng dạy, chú trọng phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của học sinh. Tăng cường khả năng vận dụng tri thức để giải quyết những tình huống của cuộc sống.

- Trân trọng cảm ơn cô!

“Không có phương pháp vạn năng nào để áp dụng với tất cả các bài giảng. Vì vậy, với mỗi bài giảng, giáo viên cần tìm ra phương pháp, cách thức tiếp cận phù hợp. Do đó, trong môn Lịch sử nói riêng và trong dạy học nói chung giáo viên nhà trường cần tổ chức các hình thức dạy học đa dạng nhằm phát huy tính sáng tạo và năng lực của từng học sinh”. - Cô giáo Phạm Thị Thanh Huyền - Phó Hiệu trưởng Trường PTDTNT tỉnh Điện Biên

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/hanh-trinh-theo-dia-chi-do-post681948.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/hanh-trinh-theo-dia-chi-do-post681948.html
Bài liên quan
Hành trình 20 năm 'Bề dày vững chắc - Thành tựu thăng hoa' của THCS Đoàn Thị Điểm
Ngày 17/1/2025, thầy và trò trường THCS Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) đã tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm thành lập trường và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì, do Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam trao tặng.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hành trình theo 'địa chỉ đỏ'