Hành trình vượt khó của 'cô rồng tý hon'

13/12/2023, 08:36
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

24 năm qua Lê Thị Lan Anh - với chiều cao 1m30 cùng tấm lưng cong cong - đã dùng nghị lực để truyền lửa đam mê học tiếng Anh cho nhiều thế hệ.

Dẫu vậy, cũng chỉ theo học được hơn một năm, chị đành phải gác lại việc học tập. Phần vì sức khỏe không cho phép, “phần vì học với gia sư họ cũng chỉ dạy mình ngữ pháp, không giao tiếp bằng tiếng Anh nhiều và chi phí theo học vượt quá khả năng gia đình nên tôi nói với bố mẹ để dừng lại”, chị Lan Anh chia sẻ.

Trở về nhà nhưng Lan Anh không thoái chí, chị vẫn dành dụm tiền mua sách tự học, trau dồi kiến thức rồi sau đó đăng ký thi và được cấp chứng chỉ C tiếng Anh. Nói về kinh nghiệm học tập của mình với môn Tiếng Anh, chị cho biết: “Quá trình học với gia sư, tôi cố gắng nắm bắt được những kiến thức về ngữ pháp. Những từ mới đều được tôi ghi ra riêng một quyển sổ để làm tư liệu và cố gắng ghi nhớ càng nhiều từ càng tốt. Với mỗi từ mới, tôi học đi học lại có khi đến cả chục lần. Từ nào khó nhớ, tôi ghi vào giấy, dán lên tường học đến khi nhớ mới thôi”.

Theo chị Lan Anh, khó khăn lớn nhất khi học tiếng Anh là kỹ năng phát âm và nghe. Để luyện hai kỹ năng này, chị thường mua băng về nghe đi nghe lại và luyện phát âm theo có khi đến méo cả tiếng băng.

Khi Internet phát triển, có điều kiện tiếp cận với nhiều phương pháp học tiếng Anh khác, các kỹ năng của chị cũng nhờ đó mà tiến bộ hơn. Lan Anh luôn tâm niệm “kiến thức mình học được chỉ như những hạt cát giữa sa mạc. Nếu không ngừng học tập, trau dồi, bản thân mình sẽ bị thụt lùi”.

Cô giáo Lê Thị Lan Anh nhận Bằng khen 'Người tốt, việc tốt' do Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ trao tặng. Ảnh: NVCC
Cô giáo Lê Thị Lan Anh nhận Bằng khen 'Người tốt, việc tốt' do Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ trao tặng. Ảnh: NVCC

Lan tỏa niềm đam mê

Mặc dù có đam mê với môn Tiếng Anh là vậy nhưng trong thâm tâm chưa bao giờ Lan Anh nghĩ có ngày chị sẽ trở thành một giáo viên giảng dạy môn học này. Cơ duyên đưa chị đến với nghề “gõ đầu trẻ” cũng thật tình cờ.

Thời gian sau khi nghỉ học, Lan Anh trở về sinh sống cùng gia đình. Những lúc rảnh rỗi, chị thường hay xuống quán nước trông hàng giúp bố mẹ. Khi đó, “tiếng thơm” về khả năng học tiếng Anh của chị đã được nhiều người dân trong khu phố biết đến.

“Hôm đó có chị hàng xóm tình cờ sang nhà chơi, thấy tôi đang cầm quyển sách học tiếng Anh nên chị ấy cũng kể chuyện gia đình và ngỏ ý muốn nhờ tôi kèm cặp môn học này cho con chị ấy. Thấy chị ấy tin tưởng, tôi cảm thấy rất vui nhưng cũng trao đổi lại rằng mình chưa qua trường lớp đào tạo nào cũng không có kinh nghiệm và kỹ năng sư phạm. Tuy vậy, chị hàng xóm vẫn nhất quyết nhờ tôi kèm cặp con nên tôi đành đồng ý. Đó cũng là đứa trẻ đầu tiên gọi tôi bằng hai tiếng cô giáo”, chị Lan Anh hồ hởi nhớ lại.

“Tiếng lành đồn xa”, lớp học của cô giáo Lan Anh được nhiều người biết đến và họ tìm đến tin tưởng gửi gắm con em mình. Thời gian đầu, với mong muốn lớn nhất là được trở thành một người có ích, được truyền dạy những kinh nghiệm của mình cho người khác nên chị Lan Anh nhận dạy miễn phí.

Dần dần số học sinh theo học tăng lên nên các phụ huynh muốn chị thu học phí để có điều kiện duy trì lớp học lâu dài. Lớp học đặc biệt của chị Lan Anh ngoài những học sinh bình thường còn có cả trẻ khuyết tật. Với những em này, Lan Anh tạo điều kiện bằng cách giảm hoặc miễn học phí.

Thấu hiểu tâm trạng các em vì bản thân cũng là một người khiếm khuyết nên những khoảng thời gian rảnh rỗi ngoài giờ học, cô giáo Lan Anh còn trò chuyện, tâm sự, động viên các em vượt khó, vươn lên trong cuộc sống. Ngay cả những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi cũng đều được chị tạo điều kiện hết sức trong quá trình học tập.

Không ít trẻ khuyết tật, luôn mặc cảm, thiếu tự tin và mang tâm lý khép kín nhưng sau thời gian theo học cô Lan Anh đã trở nên mạnh dạn, hoạt bát hơn. Chị Lan Anh cho biết: “Do các em theo học chủ yếu từ lớp 3 đến lớp 9 và môn học Tiếng Anh với các em còn mới mẻ nên bản thân tôi phải luôn tìm hiểu, trau dồi phương pháp giảng dạy để có thể truyền đạt được tốt nhất kiến thức cho các em”.

Để tạo cho các em niềm hứng khởi, đam mê trong mỗi giờ học, thỉnh thoảng, chị lại tổ chức một số cuộc thi tiếng Anh nho nhỏ. Cũng chính vì thế mà bầu không khí lớp học nhỏ của chị luôn rộn tiếng cười đùa vui vẻ.

Có nhiều em trước khi vào học không tập trung, hay nghịch nhưng sau thời gian cũng tiến bộ lên từng ngày. Phần thưởng quý giá nhất mà cô giáo Lan Anh mong muốn nhận được từ phía học sinh của mình là các em khôn lớn, thành công trong cuộc sống.

“Hơn 20 năm dạy học, tôi cũng không nhớ hết mặt từng học sinh nhưng thỉnh thoảng vẫn trao đổi với phụ huynh các em và nhiều khi các em gọi điện cho tôi chia sẻ những thành quả đã đạt được trong cuộc sống làm tôi thấy vui vô cùng. Vui vì bản thân mình đã làm được điều có ích cho xã hội”, chị Lan Anh tâm sự.

Mỗi năm, cứ đến dịp 20/11, cô giáo tuổi rồng lại có dịp được khoe những bó hoa tươi thắm của học sinh và phụ huynh trao tặng. Với chị, đây là những món quà ý nghĩa, trân quý nhất để tạo động lực cho chị tiếp tục trên con đường dạy học của mình.

“Với những đóng góp hữu ích cho cộng đồng, cô giáo Lan Anh đã được Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ và Chủ tịch UBND TP Hà Nội biểu dương, trao Bằng khen về gương “Người tốt, việc tốt”. Chị cũng được tôn vinh và trao giải Kova lần thứ 17 năm 2019 ở hạng mục “Sống đẹp” trong một giải thưởng tìm kiếm và tôn vinh những người Việt tiêu biểu trên nhiều lĩnh vực”.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/hanh-trinh-vuot-kho-cua-co-rong-ty-hon-post663863.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/hanh-trinh-vuot-kho-cua-co-rong-ty-hon-post663863.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hành trình vượt khó của 'cô rồng tý hon'