Thạc sĩ Tâm lý Phạm Thị Huyền chia sẻ, giúp các em học sinh cởi bỏ áp lực tâm lý khi có kết quả chưa tốt trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.
Thạc sĩ Tâm lý Phạm Thị Thu Huyền, nguyên giảng viên Trường Đại học Tân Trào (Tuyên Quang) chia sẻ: Kỳ thi tốt nghiệp THPT là kỳ thi rất quan trọng. Trước mỗi bước ngoặt cuộc đời, chắc chắn các em đều rất kỳ vọng. Tuy nhiên, không phải ai cũng đạt được theo nguyện vọng của mình.
Kỳ thi lần này, có thể có những bạn đạt được kết quả như mong muốn, nhưng cũng có nhiều bạn không đạt được kỳ vọng. Điều quan trọng là thực tại đã có kết quả rồi mỗi em học sinh đều cần có sự cố gắng, nỗ lực hơn nữa. Không nên quá “chìm” vào nỗi buồn.
Để có kết quả tốt hay chưa tốt không chỉ có yếu tố chủ quan mà còn có cả những yếu tố khách quan. Sau mỗi sự việc, kết quả được như mong đợi hay không các em cũng nên quay trở lại để nhìn nhận, nếu bản thân chưa tốt thì hãy hướng về tương lai bằng sự nỗ lực cao hơn nữa. Giữ tinh thần lạc quan, như người ta hay nói “cánh cửa này đóng lại, sẽ có cánh cửa khác mở ra”. Để đạt được mục tiêu, ước mơ hay kế hoạch của mình có nhiều con đường để các em lựa chọn.
Theo Thạc sĩ Tâm lý Phạm Thị Thu Huyền, đây là thời điểm gia đình, các bậc cha mẹ của học sinh cần có sự cảm thông, chia sẻ giúp các em có thể cởi bỏ áp lực tâm lý nặng nề, để các em bình tâm và có lựa chọn đúng đắn nhất cho con đường tương lai phía trước.
“Khi mình gặp những sự việc bất như ý, rất cần sự bình tâm trở lại. Ở độ tuổi các bạn học sinh mới 18, rất cần sự yêu thương, thấu cảm kèm theo định hướng của bố mẹ. Tránh môi trường tâm lý nặng nề khiến dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực cho các em”, Thạc sĩ Tâm lý Phạm Thị Thu Huyền chia sẻ.
Thạc sĩ Tâm lý Phạm Thị Thu Huyền cho rằng, các bậc phụ huynh chỉ nên định hướng chứ không nên áp đặt.
“Có rất nhiều bậc phụ huynh vẫn sống bằng cái sĩ diện, cho nên tạo ra áp đặt, áp lực cho con. Không ít gia đình bắt con phải chạy theo, ép phải vào trường này, ngành nọ. Nhiều người bỏ qua suy nghĩ của con, họ không biết con có khả năng gì và mong muốn thế nào.
Thực tế, có rất nhiều người không học trường đại học, nhưng bằng ý chí, nghị lực và sự tự học, tự nâng cấp bản thân họ vẫn cứ thành công. Đó là thành công trong hạnh phúc, chứ không phải thành công khi khoác lên một vỏ bọc mà người khác áp đặt. Vì vậy, rất mong các bậc phụ huynh hãy để các em thành công trong hạnh phúc, hãy tôn trọng sự lựa chọn của các con”, Thạc sĩ Tâm lý Phạm Thị Thu Huyền nói.