Về một số vấn đề cụ thể cần quan tâm, ông Đoàn Việt Cường nhấn mạnh đến rà soát, đánh giá cụ thể các tồn tại, hạn chế để thấy rõ nguyên nhân gốc rễ của điểm nghẽn, nút thắt, từ đó có giải pháp hiệu quả, giải quyết phù hợp. Đặc biệt là việc thiếu thể chế phát triển Thủ đô toàn diện, đồng bộ; hạ tầng còn thiếu đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông kết nối, hạ tầng giao thông công cộng chậm phát triển, nhất là đường sắt đô thị; hạ tầng thu gom, xử lý rác thải, xử lý nước thải còn thiếu và yếu; ô nhiễm môi trường…
Thảo luận tại hội trường, Đại biểu Nguyễn Tiến Minh (tổ đại biểu huyện Thường Tín) bày tỏ đồng tình, nhất trí cao với Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời bày tỏ tin tưởng vào sự phát triển của TP Hà Nội sau khi quy hoạch được thông qua.
Góp ý vào bản quy hoạch quan trọng này, Đại biểu Nguyễn Tiến Minh đề nghị chú trọng vào quy hoạch giao thông vận tải để xứng đáng với quy mô thành phố 100 triệu dân, lấy sông Hồng làm trung tâm của quy hoạch; quy hoạch đường bộ theo hướng ô bàn cờ; xử lý tốt nước thải để làm sống lại các dòng sông cổ. Về cơ chế hai bên bờ sông Hồng, ĐB muốn làm rõ cho phép thành phố quy hoạch đến thế nào, có nên xem xét triển khai mô hình đê trong đê không.
Đại biểu Nguyễn Minh Đức (tổ Đại biểu quận Hoàng Mai) cho biết, cử tri bày tỏ vui mừng vì lần đầu tiên thành phố đưa ra bức tranh quy hoạch của Thủ đô Hà Nội với việc giải quyết cơ bản các vấn đề quy hoạch và định hướng phát triển của Thủ đô. Đại biểu đề nghị có đánh giá đầy đủ về thực hiện các quy hoạch đã được phê duyệt; kế thừa và phát triển vào quy hoạch mới này thế nào.
Đề cập đến vấn đề giao thông, đặc biệt là đường sắt đô thị, Đại biểu Nguyễn Minh Đức cho rằng, "nếu chúng ta muốn giải quyết vấn nạn giao thông, phát triển đường sắt đô thị là vấn đề cốt yếu để giải quyết ùn tắc ở giao thông Hà Nội".
Đồng thời nhấn mạnh, sau khi có Luật Thủ đô (sửa đổi), thành phố cần có cơ chế đặc thù về vốn và huy động vốn để làm đường sắt đô thị; việc đầu tư nguồn lực và tổ chức thực hiện cũng cần được quan tâm, tránh gây ra sự chậm trễ. "Trong bối cảnh nhiều thành phố trên thế giới đã dừng cấp phép ô tô chạy bằng xăng, nên chăng TP Hà Nội cũng cần có cơ chế khuyến khích cho giao thông xanh", Đại biểu Nguyễn Minh Đức gợi ý.
Đại biểu Đường Hoài Nam (ĐB quận Long Biên) cho rằng để thực hiện bản quy hoạch này cần quan tâm đến niên độ quy hoạch, làm cơ sở quan trọng để các cấp ủy lãnh đạo phát triển kinh tế xã hội. Theo Đại biểu, trong vòng 6 năm, chúng ta kỳ vọng sẽ làm được một số nội dung quan trọng của quy hoạch. TP Hà Nội tập trung giải pháp hoàn thiện về mặt thể chế. Để thực hiện quy hoạch, cần bố trí nguồn lực lớn nên cần sự ưu tiên; mối quan hệ phân cấp phân quyền và bố trí nguồn lực phải đồng bộ, nhất quán. Ngoài ra, những vấn đề cấp bách như giao thông và ô nhiễm môi trường cần được ưu tiên ban đầu.
Sau khi thảo luận, HĐND TP Hà Nội Hà Nội khóa XVI đã thông qua Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo Nghị quyết được thông qua, HĐND TP. Hà Nội giao UBND thành phố tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ban Đô thị HĐND thành phố và ý kiến của đại biểu để hoàn thiện nội dung của Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; trình cấp có thẩm quyền báo cáo Bộ Chính trị, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 - tháng 5/2024 và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định của pháp luật. Giao Thường trực HĐND, các Ban HĐND, các tổ đại biểu, đại biểu HĐND TP Hà Nội và đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.