Hé lộ hình hài đoạn tuyến vành đai 4 TP HCM gần 10.000 tỷ dự kiến khởi công vào tháng 4/2024

31/10/2023, 06:38
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đường vành đai 4 TP HCM, đoạn từ cầu Thủ Biên đến Sông Sài Gòn (giai đoạn 1) có tổng chiều dài 47,5 km, được Bình Dương giao cho Becamex IDC làm nhà đầu tư.

Vị trí tuyến vành đai 4 TP HCM, đoạn từ cầu Thủ Biên đến Sông Sài Gòn (giai đoạn 1). (Ảnh chụp từ báo cáo).

Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (Becamex IDC, mã chứng khoán: BCM) vừa công bố một báo cáo liên quan đến dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 TP HCM, đoạn từ cầu Thủ Biên đến Sông Sài Gòn (giai đoạn 1). Dự án được thực hiện tại TP Thủ Dầu Một, TP Tân Uyên, Thị xã Bến Cát và huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương.

Tuyến đường Vành đai 4 TP HCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết vào năm 2011. Dự án có điểm đầu tại cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), điểm cuối tại cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TP HCM).

Vành đai 4 đi qua địa phận của 5 tỉnh thành phố, gồm Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM và Long An với tổng chiều dài khoảng 199 km, quy mô 8 làn xe cao tốc và tiến trình đầu tư trước năm 2030.

Trong số 5 tỉnh, thành phố nói trên, hiện có 3 tỉnh đã tiến hành đầu tư xây dựng. Trong đó, Đồng Nai đã đầu tư được khoảng 6 km (trùng với đường HL.10); Bình Dương đầu tư được khoảng 22,35 km, quy mô mặt cắt ngang đoạn lớn nhất là 62 m; Long An đầu tư được khoảng 17,25 km quy mô mặt cắt ngang là 17 m. 

Vị trí tuyến vành đai 4 TP HCM, đoạn từ cầu Thủ Biên đến Sông Sài Gòn (giai đoạn 1). (Ảnh chụp từ báo cáo). 

Vào ngày 19/5 vừa qua, HĐND tỉnh Bình Dương đã có Nghị quyết về chủ trương đầu tư Vành đai 4 đoạn cầu Thủ Biên - sông Sài Gòn (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư (PPP), giao cho Becamex IDC làm nhà đầu tư.

Vành đai 4 đoạn cầu Thủ Biên - sông Sài Gòn (giai đoạn 1) có tổng chiều dài khoảng 47,5 km. Điểm đầu tuyến nằm tại đầu cầu Thủ Biên thuộc địa phận xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên, hướng tuyến cơ bản bám theo tuyến đường Thủ Biên - Đất Cuốc hiện tại. Điểm cuối tuyến nằm tại khu vực trước mố cầu Phú Thuận trên địa bàn xã An Tây, thị xã Bến Cát.

Tuyến đi qua 12 phường xã thuộc tỉnh Bình Dương, bao gồm: xã Thường Tân, xã Tân Mỹ, xã Tân Lập và xã Bình Mỹ (huyện Bắc Tân Uyên); phường Uyên Hưng, phường Hội Nghĩa và phường Vĩnh Tân (TP Tân Uyên); phường Hòa Phú (TP Thủ Dầu Một); phường Hòa Lợi, phường Thới Hòa, xã An Điền và xã An Tây (thị xã Bến Cát).

Vị trí tuyến dự án và hướng tuyến trên bản đồ tỉnh Bình Dương. (Ảnh chụp từ báo cáo). 

Về hướng tuyến cụ thể: Từ điểm đầu tuyến tại đầu cầu Thủ Biên, tuyến bám theo tuyến đường Thủ Biên - Đất Cuốc hiện tại, giao với đường ĐH.411, tuyến xây mới đi qua KCN VSIP III, giao cắt với ĐT.747 tại phường Hội Nghĩa (thị xã Tân Uyên), giao với cao tốc TP HCM - Chơn Thành, giao với ĐT.742 tại vị trí nút giao hiện hữu, đi trùng tim với đường số 17-VSIP 2A.

Từ đây, tuyến tiếp tục xây mới và đi qua nút giao khác mức với đường sắt Dĩ An - Lộc Ninh (quy hoạch), giao với ĐT.741 tại phường Hòa Lợi (thị xã Bến Cát), kết nối với đường Vành đai 4 hiện hữu đến cầu Thới An, theo đường giao thông hiện hữu đến ĐT.748, tiếp tục xây mới và đến nút giao với ĐT.744 tại xã An Tây (thị xã Bến Cát), xây mới đến sông Sài Gòn tại vị trí cầu Phú Thuận.  

 Phân đoạn tuyến dự án Vành đai 4 đoạn qua địa phận Bình Dương. (Ảnh chụp từ báo cáo). 

Về hiện trạng, vành đai 4 đoạn cầu Thủ Biên - sông Sài Gòn (giai đoạn 1) bao gồm 4 đoạn tuyến.

Đầu tiên là 12,5 km của đường Thủ Biên - Đất Cuốc hiện hữu. Con đường này được Bình Dương duyệt đầu tư vào năm 2017, hiện đã đầu tư xây dựng 2 đường gom mỗi bên 2 làn xe với bề rộng nền đường 10,5 m. Theo quy hoạch, đường Thủ Biên - Đất Cuốc sẽ được điều chỉnh mở rộng lên thành 4 làn xe.

 Hiện trạng đoạn tuyến Thủ Biên - Đất Cuốc trên bản đồ. (Ảnh chụp từ báo cáo). 

Tiếp đến là đoạn Đất Cuốc - VSIP 2A, đây sẽ là đoạn xây dựng mới, chủ yếu đi qua đất nông nghiệp thuộc các xã Tân Lập, Bình Mỹ (huyện Bắc Tân Uyên) và các phường Uyên Hưng, Hội Nghĩa, Vĩnh Tân (TP Tân Uyên). 

Điểm cuối đoạn này sẽ nối vào tuyến đường đi qua KCN VSIP 2A đã được quy hoạch. Đây là tuyến đường hiện hữu dài khoảng 1,5 km đã được đầu tư hoàn chỉnh. Trong dự án đường Vành đai 4 thì đoạn tuyến này sẽ được mở rộng theo quy hoạch.

Hiện trạng đoạn tuyến Đất Cuốc - VSIP 2A. (Ảnh chụp từ báo cáo). 

Thứ ba là đoạn tuyến VSIP 2A - cầu Thới An, đây là đoạn tuyến đi trùng với tim tuyến của tuyến đường đi gần khu vực trung tâm thị xã Bến Cát và các khu công nghiệp gần kề, trong đó cắt qua Khu công nghiệp Mỹ Phước 3.

Đoạn này đã có đường hiện hữu từ trục đường chính của KCN Mỹ Phước 3 đến cầu Thới An. Đoạn tuyến từ KCN Mỹ Phước 3 đến KCN VSIP 2A sẽ được xây dựng mới. Đoạn tuyến sẽ giao cắt với Quốc lộ 13, ĐT.741, đường Mỹ Phước - Tân Vạn, đường Nguyễn Văn Linh, Cao tốc TP HCM - Chơn Thành và nhiều tuyến đường nội đô của thị xã Bến Cát và các khu công nghiệp.

Hiện trạng đoạn tuyến VSIP 2A - cầu Thới An. (Ảnh chụp từ báo cáo). 

Cuối cùng là đoạn tuyến cầu Thới An - cầu Phú Thuận dài 8,15 km. Đây là đoạn tuyến gồm cả đường hiện hữu 4 làn xe từ cầu Thới An đến ĐT.478 và đoạn tuyến xây dựng mới từ ĐT.474 đến vị trí xây dựng cầu Phú Thuận. Đoạn này giao cắt ĐT.748, ĐT.744 và ĐH.609 và bao gồm cả cầu Thới An hiện hữu vượt sông Thị Tính.

Hiện trạng đoạn tuyến cầu Thới An - cầu Phú Thuận. (Ảnh chụp từ báo cáo). 

Nhìn chung, khu vực dự án đi qua có mật độ nhà cửa phân bố tương đối đông đúc tại các khu vực đô thị và các khu vực dân cư tập trung tại hai bên đường mà tuyến dự án cắt qua. Ngoài điểm đầu là cầu Thủ Biên trên sông Đồng Nai và điểm cuối cầu Phú Thuận vượt sông Sài Gòn, tuyến đường còn đi cắt qua sông Thị Tính và một số kênh rạch nhỏ.

Để thực hiện dự án, diện tích đất cần chiếm dụng là 200 ha. Dự án sẽ thu hồi các loại đất bao gồm đất trồng cây lâu năm (184,3 ha); đất ở đô thị (10,4 ha) và đất sản xuất kinh doanh (5,3 ha). Trong đó, thị xã Bến Cát là địa phương sẽ thu hồi nhiều đất nhất (103,6 ha), kế đến là TP Tân Uyên (85,1 ha), Bắc Tân Uyên (9,9 ha) và TP Thủ Dầu Một (1,5 ha).

Về quy mô, vành đai 4 đoạn cầu Thủ Biên - sông Sài Gòn là đường cao tốc với vận tốc thiết kế 100 km/h, bao gồm 8 làn xe với mặt cắt ngang nền đường 74,5 m.

Ở giai đoạn 1, tuyến sẽ được đầu tư xây dựng với 4 làn xe, nền đường rộng  24,75 m, bên cạnh đó còn có tuyến đường gom 2 làn xe với bề rộng 8 m, ngoài ra còn có các công trình phục vụ khai thác, trung tâm điều hành, trạm thu phí, ITS...

Trên tuyến chính sẽ có 7 công trình cầu, bao gồm cầu vượt ĐH.411 (dài 332,5 m, rộng 19,75 m); cầu vượt nút giao ĐT.747A (dài 267,5 m, rộng 26,75 m); cầu mương 1 (dài 37,2 m); cầu vượt nút giao cao tốc TP HCM - Chơn Thành (dài 431 m, rộng 19,75 m); cầu mương 2 (dài 37,2 m); cầu Thới An vượt sông Thị Tính (dài 350 m, rộng 19,75 m) và cầu vượt ĐT.744 (dài 252,6 m, rộng 19,75 m). Ngoài ra, còn có 6 cầu vượt ngang qua ĐH.414; ĐH.411; Quốc lộ 13; ĐT.748; ĐT.744 và ĐH.609.

Toàn tuyến sẽ có 7 nút giao lớn, bao gồm nút giao đầu cầu Thủ Biên đã xây dựng (giao khác mức dạng bán hoa thị); nút giao HL.411 (khác mức dạng Trumpet); giao cao tốc TP HCM - Chơn Thành (quy hoạch tương lai, khác mức dạng hoa thị); giao với đường Nguyễn Văn Linh (xây mới đồng mức); giao đường Mỹ Phước - Tân Vạn (đã xây dựng, đồng mức); giao quốc lộ 13 (xây mới khác mức dạng kim cương) và giao ĐT.744 (xây mới khác mức dạng trumpet đơn). Ngoài ra, sẽ có 9 trạm thu phí được xây dựng.

Nút giao với ĐH.411. (Ảnh chụp từ báo cáo). 

Nút giao với đường Nguyễn Văn Linh. (Ảnh chụp từ báo cáo). 

Nút giao với tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn. (Ảnh chụp từ báo cáo). 

Nút giao với Quốc lộ 13. (Ảnh chụp từ báo cáo). 

Nút giao với ĐT.744. (Ảnh chụp từ báo cáo). 

Về tiến độ, dự kiến trong tháng 10 dự án sẽ hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi; đến tháng 1/2024 hoàn thành thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM, phê duyệt dự án đầu tư. Từ tháng 4/2024, dự án có thể khởi công xây dựng, đến tháng 12/2024 thực hiện thu hồi đất, đền bù mặt bằng; hoàn thành và bàn giao công trình vào tháng 1/2027.

Tổng mức đầu tư của dự án là 9.560 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng chiếm 6.873,5 tỷ đồng; chi phí dự phòng 1.553 tỷ đồng; còn lại là chi phí thiết bị và quản lý dự án... Riêng với khâu bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư, khâu này sẽ được thực hiện trong dự án riêng. 

Thông tin từ Báo Bình Dương, tổng chi phí xây dựng và giải phóng mặt bằng của dự án vành đai 4 đoạn cầu Thủ Biên - sông Sài Gòn (giai đoạn 1) sẽ là 18.247 tỷ đồng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hé lộ hình hài đoạn tuyến vành đai 4 TP HCM gần 10.000 tỷ dự kiến khởi công vào tháng 4/2024