Nhóm đã nghiên cứu thiết kế hệ thống điện đảm bảo tính mô-đun; nghiên cứu giải thuật điều khiển để vận hành hệ thống. Ngoài vận chuyển thuốc, hệ thống cũng có thể vận chuyển y cụ phục vụ công tác khám, chữa bệnh.
Theo TS Phạm Văn Anh, hệ thống được nghiên cứu và triển khai giúp giảm áp lực cho các điều dưỡng trong việc vận chuyển thuốc so với phương pháp vận chuyển thủ công. Hệ thống cũng giúp dễ quản lý chất lượng thuốc và y cụ trong quá trình vận chuyển giữa các khoa.
Hệ thống tự động hóa, hoạt động liên tục và chính xác không chỉ giúp giảm bớt một khối lượng công việc tốn nhiều thời gian, công sức của điều dưỡng, mà còn có ý nghĩa trong tình hình dịch bệnh như hiện nay khi hoạt động di chuyển, tiếp xúc được hạn chế tối đa.
Nhóm đã tiến hành lắp đặt một hệ thống thu nhỏ tại Trung tâm Nghiên cứu Thiết bị và Công nghệ Cơ khí Bách Khoa (BK - RECME) so với sa bàn tại Bệnh viện Quận 11 nhưng vẫn giữ được toàn bộ đặc trưng tương tự như hệ thống thực tế. Hệ thống bao gồm 3 trạm tương ứng với khoa Dược, khoa ICU và khoa Nhi được dẫn động bằng hệ các mô-đun băng tải được treo lên cao.
Nhóm đã thực nghiệm khả năng vận chuyển thùng thuốc của hệ thống và rút ra được những điểm cần lưu ý. Các vấn đề được nghiên cứu để điều chỉnh như việc đảo chiều băng tải, thiết kế cơ khí tại những góc 90°, độ trôi của động cơ băng tải đứng do quán tính của đối trọng, bố trí cảm biến trên băng tải sao cho phù hợp để tránh hiện tượng quét 2 lần, vị trí nguy hiểm của băng tải nâng hạ...
Từ các vấn đề phát sinh ở hệ thống thực tế sau khi lắp đặt, nhóm đã tiến hành cân chỉnh phần lắp đặt cơ khí để hoạt động.
Nhóm cũng hoàn thành chương trình điều khiển hệ thống bao gồm giao diện người dùng, được xây dựng trên phần mềm Qt Creator. Chương trình điều khiển PLC để điều khiển hoạt động của toàn bộ các mô-đun băng tải trong hệ thống. Nhóm nghiên cứu kỳ vọng hệ thống sẽ được lắp đặt ở tất cả các bệnh viện lớn để giảm tải nhân lực cũng như hạn chế tiếp xúc trong thời kỳ dịch bệnh.