Hen phế quản ở trẻ em cần chăm sóc như thế nào?

18/01/2024, 23:12
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Hen phế quản (suyễn) là bệnh hô hấp mạn tính thường gặp ở trẻ em. Tỷ lệ trẻ em mắc bệnh hen cao gấp đôi người lớn (ước tính là 10% và 5%). Trên thực tế, chẩn đoán hen chậm sẽ hạn chế hiệu quả điều trị, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của trẻ.

Dấu hiệu nhận biết trẻ mắc hen phế quản

Hen phế quản là bệnh lý viêm mạn tính của đường thở. Tình trạng viêm này làm cho đường thở trở nên rất nhạy cảm với các kích thích khác nhau. Khi tiếp xúc với các yếu tố kích thích này, đường thở, chủ yếu là phế quản (cuống phổi), sẽ bị phù nề, co thắt, tăng tiết chất nhầy nên bị tắc nghẽn. Bệnh nhân sẽ xuất hiện các triệu chứng ho, thở khò khè, nặng ngực, khó thở.

Bố mẹ cần nghi ngờ khi trẻ có khò khè kèm 1 trong các triệu chứng ho/khó thở và bất cứ dấu hiệu nào dưới đây:

- Triệu chứng tái phát thường xuyên.

- Nặng hơn về đêm và sáng sớm.

- Xảy ra khi gắng sức, cười, khóc hay tiếp xúc với khói thuốc lá, không khí lạnh, thú nuôi...

- Xảy ra khi không có bằng chứng nhiễm khuẩn hô hấp.

- Có tiền sử dị ứng (viêm mũi dị ứng, chàm da).

- Tiền sử gia đình (cha mẹ, anh chị em ruột) hen, dị ứng.

- Có ran rít/ngáy khi nghe phổi.

- Đáp ứng với điều trị hen.

Hen phế quản là bệnh lý thường gặp ở trẻ (Ảnh: benhhen.vn)

Hen phế quản là bệnh lý thường gặp ở trẻ (Ảnh: benhhen.vn)

Các biện pháp chung để chăm sóc trẻ mắc bệnh hen

Cha mẹ trẻ mắc bệnh hen cần biết 2 việc chính yếu sau:

+ Biết cách phát hiện khi trẻ lên cơn hen và biết cách cắt cơn hen cho trẻ ngay tại nhà. Kế hoạch hành động sẽ là một công cụ giúp cha mẹ theo dõi và có hành động thích hợp đối với tình trạng bệnh hen của trẻ, từ đó giúp giảm hoặc ngăn ngừa cơn hen cấp cũng như giảm khả năng trẻ phải nhập cấp cứu. Ngoài ra cha mẹ cũng cần chia sẻ kế hoạch hành động của trẻ với gia đình, giáo viên hoặc người chăm sóc trẻ.

+ Biết cách giúp trẻ phòng ngừa hen:

Tác nhân gây khởi phát cơn hen cấp là bất cứ thứ gì gây kích thích đường thở hoặc làm nặng thêm các triệu chứng hen do sự gia tăng tình trạng viêm nhiễm trong đường thở. Bằng cách xác định và loại bỏ các yếu tố khởi phát, bố mẹ sẽ giúp kiểm soát bệnh hen của con mình tốt nhất.

An toàn cho trẻ tại trường học: Trẻ nhỏ dành đáng kể thời gian ở nhà trẻ hay trường học. Do đó, việc kiểm soát tốt các triệu chứng hen khi trẻ đi học là rất quan trọng. Bố mẹ cần kiểm tra các biện pháp phòng ngừa để giúp giảm nguy cơ mắc bệnh liên quan đến hen ở trường; Đảm bảo trẻ luôn có thuốc cắt cơn và thuốc chưa hết hạn sử dụng; Trao đổi với giáo viên của trẻ về các yếu tố khởi phát cụ thể, các triệu chứng điển hình, bản kế hoạch hành động về bệnh hen của trẻ.

Thực hiện các thói quen vệ sinh sạch sẽ, khuyến khích trẻ rửa tay thường xuyên, tránh chạm vào mắt, mũi, miệng và tránh dùng chung ống hít với người khác.

Phòng ngừa hen ở trẻ em như thế nào?

Tuy hen là một bệnh không thể trị dứt được nhưng có thể kiểm soát tốt được. Phòng ngừa hen sẽ giúp cho trẻ giảm hoặc không còn lên cơn hen, trẻ có thể sinh hoạt - học tập - vui chơi bình thường, phát triển bình thường cả về thể chất lẫn tinh thần, chức năng phổi bình thường.

Ngoài ngăn ngừa trẻ tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ, nắm vững các cắt cơn hen cho trẻ thì bố mẹ cần cho trẻ sử dụng thuốc phòng ngừa lâu dài (thuốc dự phòng hen). Thuốc phòng ngừa ưu tiên là thuốc kháng viêm dùng dưới dạng hít (corticoid hít). Nhóm thuốc này dùng an toàn cho trẻ. Thời gian dùng thuốc phải đủ dài (thường nhiều tháng, có khi hàng năm) để có thể đủ khả năng cải thiện được tình trạng viêm đường thở.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hen phế quản ở trẻ em cần chăm sóc như thế nào?