Hen suyễn: Nhận diện tiền triệu chứng và dự phòng

08/01/2024, 12:56
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Theo ước tính của WHO, hiện nay trên khắp thế giới có khoảng 235 triệu người bị bệnh hen suyễn. Trong đó hơn 80% trường hợp tử vong xảy ra ở các nước đang phát triển và kém phát triển.

Đối tượng dễ mắc bệnh hen suyễn

Bệnh hen suyễn là bệnh mạn tính phổ biến. Bệnh thường chớm phát trên người bệnh lúc còn nhỏ với các đối tượng phổ biến như:

- Thường xuyên mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp tái đi tái lại.

- Tiền sử có viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng, dị ứng thuốc, thức ăn.

- Tiền sử gia đình có người mắc hen suyễn và/ hoặc các bệnh dị ứng.

Ngoài ra, những người sống và làm việc trong môi trường ô nhiễm nhiều khói bụi và hóa chất như giáo viên, công nhân xây dựng, người khai thác khoáng sản... cũng rất dễ trở thành đối tượng của bệnh hen suyễn.

Hen suyễn: đối tượng dễ mắc, triệu chứng và phương pháp điều trị - 1
Trẻ có nguy cơ mắc hen suyễn nếu có bố và/hoặc mẹ mắc hen suyễn

Triệu chứng, dấu hiệu điển hình của hen suyễn

Hen là bệnh mạn tính với tình trạng viêm đường dẫn khí mạn tính. Khi gặp các yếu tố bất lợi của môi trường (khói bụi, chất tẩy rửa, khói thuốc lá, thay đổi thời tiết...), tình trạng viêm của đường thở nặng lên gây co thắt và chít hẹp đường thở dẫn đến hiện tượng ho, khò khè, nặng ngực, khó thở:

- Khó thở, khò khè, thở rít, đặc biệt thì thở ra;

- Thời điểm xuất hiện cơn khó thở: về đêm, theo mùa, sau một số kích thích (cảm cúm, gắng sức, thay đổi thời tiết, khói bụi);

- Tiền sử có cơn khó thở kiểu hen: ho khạc đờm, khó thở, cò cử, nặng ngực, nghe phổi có ran rít, ran ngáy;

Có thể nhận diện cơn hen suyễn sớm thông qua các dấu hiệu tiền triệu chứng như: hắt hơi, sổ mũi, ngứa mắt, ho khan, buồn ngủ... Hoặc cơn khó thở lúc bắt đầu: khó thở chậm, thở ra có tiếng cò cử người khác cũng nghe được, khó thở tăng dần, sau có thể khó thở nhiều, vã mồ hôi, nói từng từ hoặc ngắt quãng. Cơn khó thở kéo dài 5- 15 phút, có khi hàng giờ, hàng ngày. Cơn khó thở giảm dần và kết thúc với ho và khạc đờm. Đờm thường trong, quánh, dính.

Hen suyễn cũng có khả năng gây tử vong hoặc để lại nhiều biến chứng nguy hiểm như: khí phế thũng, tâm phế mãn tính, suy hô hấp, ngừng hô hấp kèm tổn thương não, xẹp phổi, tràn khí màng phổi,...

Bệnh hen suyễn có chữa khỏi được không?

Theo tổ chức Y tế thế giới, hen suyễn không thể chữa khỏi hoàn toàn được mà chỉ có thể khắc phục bằng cách phòng tránh bệnh biến chứng nặng hơn. Tuy nhiên, hen suyễn hoàn toàn có thể kiểm soát được nếu được điều trị bằng phương pháp thích hợp.

Điều trị hen suyễn bao gồm có hạn chế tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ và sử dụng thuốc cắt cơn, thuốc dự phòng hợp lý:

- Thuốc cắt cơn chữa hen suyễn làm giảm co thắt phế quản, ngăn ngừa cơn co thắt phế quản do gắng sức hay dị ứng.

- Thuốc dự phòng trị hen suyễn có tác dụng phòng ngừa và giữ cho bệnh không nặng thêm.

Theo khuyến cáo của Tổ chức hen toàn cầu và Bộ Y tế, người bệnh chữa hen suyễn nên duy trì sử dụng thuốc hít dự phòng kiểm soát hen ngay cả ở bậc hen nhẹ nhất.

Hỗ trợ điều trị hen suyễn

- Điều trị chứng háo suyễn không dùng thuốc: là dùng các phương pháp như luyện trường sinh - khí công, xoa bóp, day bấm huyệt và châm cứu.

- Điều trị chứng háo suyễn bằng thuốc: có nhiều loại Đông - Tây y giúp kiểm soát dự phòng hoặc kiểm soát tại chỗ khi cơn hen xuất hiện. Khi lựa chọn điều trị bằng thuốc, người bệnh cần được thăm khám, theo dõi và dùng thuốc theo chỉ định chuyên môn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hen suyễn: Nhận diện tiền triệu chứng và dự phòng