Giữa bài toán đất chật, học sinh đông, thôn Kon Teo Đăk Lấp, xã Đăk Long (Đăk Hà, Kon Tum) đứng giữa lựa chọn dỡ bỏ nhà rông truyền thống hay dựng thêm phòng học cho con trẻ.
Chuyện tưởng chừng đơn giản, nhưng lại khiến cả làng trăn trở, bởi đó không chỉ là chuyện xây trường, mà còn là chuyện giữ làng, giữ hồn cốt văn hóa.
Thôn Kon Teo Đăk Lấp có hơn 200 hộ, với khoảng 1.500 nhân khẩu. Năm 2019, thôn được thành lập dựa trên cơ sở sáp nhập làng Kon Teo và làng Đăk Lấp. Sau khi hợp nhất, thôn Kon Teo Đăk Lấp tồn tại 2 nhà rông và người dân vẫn thường xuyên sinh hoạt cộng đồng, duy trì các nét văn hóa truyền thống.
Thế nhưng, bên cạnh nhà rông của làng Kon Teo (cũ) có một dãy phòng học phục vụ cho hàng trăm trẻ mầm non và tiểu học trong thôn Kon Teo Đăk Lấp. Những năm qua, học sinh đông, các phòng học không đảm bảo nhu cầu dạy và học. Cùng với đó, diện tích đất xung quanh hạn chế nên UBND xã Đăk Long đã họp dân để thống nhất phá bỏ nhà rông, xây dựng thêm 2 phòng học mới.
Theo ghi nhận, điểm trường thôn Kon Teo Đăk Lấp xây dựng từ lâu, có dấu hiệu hư hỏng, xuống cấp. Phòng học không đủ nên điểm trường cải tạo lại phòng sinh hoạt của giáo viên trước kia, khoảng 20m2 để bố trí cho 22 học sinh học tập. Không gian hạn chế, những chiếc bàn kê sát, lối đi không còn đủ để thầy cô và các em bước qua một cách thoải mái. Những phòng học còn lại có hơn 40 học sinh/phòng nên phần nào ảnh hưởng đến công tác dạy và học.
Chị Y Hoài (36 tuổi) có con học lớp 3 tại điểm trường thôn Kon Teo Đăk Lấp trăn trở trước việc dỡ nhà rông hay xây thêm phòng học.
Chị Y Hoài chia sẻ rằng, những năm qua, học sinh đông, phòng học hạn chế nên khá khó khăn, vất vả cho thầy cô và các em, đặc biệt là những ngày nắng nóng. Hay tin, chính quyền địa phương chuẩn bị xây dựng thêm phòng học, chị Y Hoài rất vui mừng. Thế nhưng, chị cũng buồn nếu dỡ bỏ nhà rông vì đây là nơi sinh hoạt chung, nét văn hóa truyền thống của cả làng. Bởi nhà rông được xây dựng và gắn bó với dân làng từ năm 1976.
Bà Nguyễn Thị Lương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS xã Đăk Long cho hay, điểm trường thôn Kon Teo Đăk Lấp có 5 phòng học với khoảng 200 học sinh. Tuy nhiên, những năm qua, học sinh đông, phòng học ít và xuống cấp nên ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học.
Bên cạnh đó, Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS xã Đăk Long lo lắng, khi năm học 2025 - 2026 thực hiện học 2 buổi/ngày, số lượng học sinh tăng lên nên sẽ rất khó khăn. Do đó, nếu không kịp thời xây dựng thêm phòng học thì các em sẽ không có nơi để học. Mặc dù, nhà trường đã kiến nghị lên các cơ quan, ban ngành có phương án xây dựng thêm phòng học từ nhiều năm nay. Tuy nhiên do người dân không đồng thuận dỡ bỏ nhà rông nên việc xây dựng vẫn chưa được triển khai.
Về vấn đề này, ông Hoàng Công Ái - Chủ tịch UBND xã Đăk Long cho biết, thôn Kon Teo Đăk Lấp có 2 nhà rông truyền thống. Trước nhu cầu cấp thiết của giáo viên và học sinh, địa phương đề xuất lên UBND huyện xin kinh phí xây dựng thêm 2 phòng học mới và được phê duyệt. Dự kiến 2 phòng học điểm trường thôn Kon Teo Đăk Lấp và các hạng mục phụ trợ khác có tổng mức đầu tư hơn 1,3 tỷ đồng.
Theo ông Ái, hiện nay quỹ đất chung của thôn hạn chế, không có khu vực nào phù hợp để xây dựng 2 phòng học mới. Nếu xây dựng phòng học ở khu vực khác thì không đủ không gian để làm khu vui chơi, sân bóng chuyền cho học sinh. Do đó, năm 2024 địa phương họp dân, thống nhất tháo dỡ nhà rông làng Kon Teo (cũ) để xây dựng phòng học. Bên cạnh đó, hợp nhất 2 nhà rông thành một nhà rông lớn để bà con sinh hoạt cộng đồng.
“Tháo dỡ là để sắp xếp lại, cho người dân đoàn kết hơn, chứ không phải xóa đi văn hóa. Cùng với đó, tạo điều kiện thuận lợi cho chính quyền quản lý địa bàn và chỉ đạo, thực hiện chủ trương, đường lối và chính sách của Đảng, Nhà nước. Mình vẫn giữ hồn làng, nhưng cũng phải dựng mái trường cho con cháu học hành nên người”, ông Ái nói và cho biết thêm, vào mỗi dịp lễ hội, cộng đồng thường tập trung tại nhà rông, làm gián đoạn việc dạy học vì tiếng cồng chiêng, hoạt động đông người ngay sát lớp học.
Giữ gìn bản sắc là điều thiêng liêng, nhưng dựng xây tương lai cho thế hệ trẻ cũng quan trọng không kém. Trong bài toán khó ở thôn Kon Teo Đăk Lấp, điều cần hơn lúc này không chỉ là một quyết định, mà là sự đồng thuận. Từ đó để mái trường có thể vươn lên từ lòng làng, tiếng đánh vần của con trẻ không bị át đi bởi tiếng cồng chiêng mà chính các em sẽ gìn giữ sau này, bằng tri thức và tình yêu quê hương.