Nhưng trong cộng đồng Nam Á, được xem là bất thường khi bạn có cha mẹ ly hôn và không biết cha mình là ai! Tôi sống dưới mức nghèo khổ trong hầu hết thời thơ ấu, không có bảo hiểm y tế và thường mua sắm tại các cửa hàng giảm giá. Khi nhìn thấy những đứa trẻ Ấn Độ và Bangladesh ở New Orleans có gia đình nghề nghiệp đầy đủ tôi muốn được như chúng”.
Chính toán học đã mở cho Khan con đường tiến đến giấc mơ này. Khan trở thành người đầu tiên trong trường trung học anh học vào được Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) danh giá, trước khi anh lấy bằng MBA của Trường Kinh doanh Harvard.
Định hình lại cách học
Trường tư thục thực nghiệm Khan Lab nằm ở tầng trệt trụ sở chính của Viện Khan, được Khan thành lập năm 2014 để thử nghiệm một phương pháp giáo dục hoàn toàn mới.
Ví dụ, một bài học về khoa học dữ liệu, nơi các học sinh ngồi trên một chiếc bàn dài để cùng phân tích hành vi của cử tri trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua.
Học sinh xoay quanh các ý tưởng về mô hình trên biểu đồ phân tán không giống bất kỳ lớp học thường thấy. Các trợ giảng cũng là học sinh, trong khi lớp học có độ tuổi hỗn hợp (từ 14 - 18) và tất cả đều sử dụng máy tính xách tay.
Tại ngôi trường thực nghiệm đặc biệt này, học phí lên đến hơn 30 nghìn USD/năm và học sinh là con cái của các giám đốc điều hành và các triệu phú dotcom.
Không có điểm số hay bài tập về nhà. Học sinh tiến bộ theo tốc độ của riêng mình và đi theo những chương trình học mang tính cá nhân với các bài học trực tuyến của Viện Khan, được giáo viên hỗ trợ khi cần.
Theo phương pháp “học sinh tự làm chủ”, học sinh phải chứng minh đã chắc chắn hiểu từng bài học trước khi bước sang bài mới. Những người sáng giá nhất sẽ hoàn thành khóa học nhanh, nhưng không có sự kỳ thị đối với người phải mất nhiều thời gian hơn để vượt qua một bài học.
Khan trong chiếc áo polo màu đỏ bó sát trông không giống một gã khổng lồ công nghệ mà giống những doanh nhân theo chủ nghĩa lý tưởng với đầy tham vọng.
Anh xem mục đích tạo ra một mô hình giáo dục hoàn toàn mới, sử dụng công nghệ để cá nhân hóa việc học cũng giống như công ty Netflix thay đổi cách chúng ta xem truyền hình, xem phim và Amazon thay đổi cách chúng ta mua sắm.
“Mô hình lớp học truyền thống, trong đó tất cả học sinh đều học cùng một thứ và cùng một lúc không còn phù hợp với nhu cầu đang thay đổi của thế giới hôm nay.
Về cơ bản, đó là giáo dục thụ động, trong khi thế giới ngày càng đòi hỏi việc tiếp nhận và xử lý thông tin phải tích cực hơn, linh hoạt hơn”, Khan nói. Nghe có vẻ không tưởng, nhưng Viện Khan chỉ là bước khởi đầu cho kế hoạch “định hình lại cách học” của Khan.
Trong thời gian đại dịch hoành hành, anh đã xây dựng một nền tảng dạy kèm ngang hàng (peer-to-peer tutoringplatform) miễn phí. Trong đó, học sinh ở độ tuổi 13 có thể được công nhận đủ điều kiện để dạy kèm các học sinh khác ở bất kỳ nơi nào trên thế giới. Cho đến nay đã có 1 nghìn gia sư và 10 nghìn học viên đăng ký tham gia trang webSchoolhouse.world.
Những giấc mơ tiếp theo
Giờ đây, Khan đang thực hiện giấc mơ ở giai đoạn tiếp theo: Hoàn thiện một “trường trung học ảo” toàn thời gian dành cho học sinh từ khắp nơi trên thế giới.
Trường tư thục Khan World, sẽ khai trương vào mùa thu tới. Trường sẽ tổ chức các buổi hội thảo hàng ngày, các buổi hướng dẫn theo phong cách Oxford hàng tuần và học trực tuyến được cá nhân hóa dựa trên giáo trình giảng dạy của Viện Khan.
Khan nói: “Chúng tôi sẽ bắt đầu với 200 học sinh và sẽ đón 200 nghìn em trong tương lai gần. Khan World là mạng lưới an toàn cho bất kỳ ai. Nếu bạn bị thất bại tại một trường, bạn có thể đến đây”.
Với sự hợp tác của Đại học Bang Arizona (ASU), trường sẽ miễn phí cho học sinh sống ở tiểu bang Arizona, nhưng học sinh từ các vùng khác của Mỹ phải trả 10 nghìn USD/năm và học sinh quốc tế phải trả 12 nghìn USD. Nhà trường cũng có các chuyên gia cố vấn và xác nhận sự tiến bộ của học sinh thông qua hệ thống kiểm định quốc tế.