Hiểu đúng về tự chủ trách nhiệm giải trình

Minh Phong (ghi) | 22/06/2022, 09:44
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Theo GS.TS Trần Đức Viên - Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách Hội đồng Học viện Nông nghiệp Việt Nam, tự chủ đại học như anh em sinh đôi với trách nhiệm giải trình.

Theo GS.TS Trần Đức Viên, KPIs thường được chia thành 4 nhóm gồm: Thứ nhất, thành tựu khoa học công nghệ như: số sản phẩm khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới được áp dụng, số bằng phát minh, sáng chế, số bài báo thuộc hệ thống ISI hoặc Scopus, số lượng giải thưởng quốc gia, quốc tế về khoa học và công nghệ, số lượt giảng viên tham gia các hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế, tỷ lệ kinh phí hoạt động nghiên cứu khoa học/tổng kinh phí, số hợp đồng hợp tác với doanh nghiệp, với địa phương...

Thứ hai, chất lượng đào tạo như tỷ lệ giảng viên/người học, tỷ lệ giảng viên có học vị tiến sĩ, tỷ lệ giảng viên có chức danh giáo sư/phó giáo sư, số chương trình đào tạo được kiểm định, kinh phí đầu tư/đầu sinh viên, mức độ hài lòng của nhà tuyển dụng, tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 6 tháng, sau 12 tháng tốt nghiệp, lương khởi điểm của sinh viên,...

Thứ ba, mức độ quốc tế hóa, như tỷ lệ chuyên gia nước ngoài đến làm việc, tỷ lệ giảng viên được mời giảng dạy ở nước ngoài, số bài báo công bố chung với người nước ngoài, số giảng viên, nghiên cứu sinh được đào tạo tập huấn ở nước ngoài, số sinh viên quốc tế, hội thảo quốc tế, số chương trình đào tạo giảng dạy bằng tiếng Anh, số lượng hiệp hội hay mạng lưới quốc tế CSGD là thành viên,...

Thứ tư, cơ sở vật chất, như kinh phí đầu tư thiết bị nghiên cứu và giảng dạy, số phòng nghiên cứu, số cơ sở thực nghiệm, số phòng thí nghiệm đạt chuẩn ISO, kinh phí đầu tư cho trung tâm học liệu, diện tích khu vực thể thao trên đầu người... “Việc giám sát KPIs nên giao cho một cơ quan, tổ chức độc lập xếp hạng, đánh giá” - GS.TS Trần Đức Viên đề xuất.

Nguyên tắc “tuân thủ - hoặc - giải trình”

Sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam

GS.TS Trần Đức Viên nhấn mạnh, bản chất tự do học thuật là trách nhiệm cung cấp cho người học chất lượng đào tạo cao nhất và nhân văn nhất, với các giá trị cốt lõi là dân tộc, nhân bản và khai phóng; còn tự chủ ĐH không gì khác đó là trách nhiệm của trường ĐH trong việc nỗ lực đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao và nghiên cứu khoa học, sáng tạo công nghệ phục vụ thiết thực nhất cho nhu cầu phát triển của xã hội.

Ở các nền giáo dục ĐH có quyền tự chủ toàn diện, quyền hạn quản trị tối cao thuộc về hội đồng trường và bộ máy quản lý đứng đầu là hiệu trưởng (thực chất là giám đốc điều hành) là mô hình quản trị ĐH hoạt động linh hoạt “như”, chứ không phải ‘là” một doanh nghiệp để đảm bảo hiệu quả đầu tư; đồng thời vẫn mang đậm hương vị ‘”cận thị trường” nhằm thích ứng với kinh tế thị trường nhưng tránh bị thương mại hóa tuyệt đối với sự hỗ trợ, giám sát và điều tiết của xã hội và của Nhà nước, đang được cho là mô hình tối ưu và phù hợp nhất với các trường ĐH của các nước đang phát triển và các nền kinh tế chuyển đổi.

Với nền quản trị ĐH khi các CSGD có quyền tự chủ toàn diện, chính phủ không can thiệp vào hệ thống quản trị ĐH qua hệ thống cơ quan chủ quản hay bằng các phương tiện truyền thống như các định chế chỉ huy kiểu tập quyền, Chính phủ chỉ đóng vai trò “chỉ đạo từ xa” bằng nhiều hình thức.

Ví dụ qua các hệ thống kiểm định chất lượng của các trường đào tạo, hệ thống hỗ trợ phát triển nghiên cứu và bảo đảm chất lượng nghiên cứu khoa học, cung cấp tài chính và đầu tư theo “kết quả đầu ra” của CSGD. Còn các trường, thông qua hội đồng trường, tự lãnh đạo, tự lên kế hoạch phát triển, tự hành động, tự ra quyết định và đi kèm với trách nhiệm giải trình. Nhờ thế, từng bước hình thành đội ngũ các trường ĐH danh tiếng dựa trên chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và dịch vụ xã hội.

Theo GS.TS Trần Đức Viên, khi CSGD tự chủ hoàn toàn, trở thành một pháp nhân độc lập, Nhà nước cần tập trung vào bốn việc sau:

Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế, chính sách quản lý và phát triển hệ thống giáo dục ĐH trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Trong đó, có cơ chế tự chủ của các trường ĐH và chính sách phù hợp để huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục ĐH.

Thứ hai, tiếp tục tăng đầu tư của Nhà nước gắn với đổi mới phương thức và cơ chế đầu tư cho phát triển giáo dục ĐH phù hợp với xu thế chung của thế giới và điều kiện cụ thể của Việt Nam, nâng cao hiệu quả đầu tư, theo hướng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, có tính cạnh tranh gắn với kết quả, chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của nhà trường (KPIs); Tạo ‘sân chơi’ bình đẳng và minh bạch, không phân biệt đẳng cấp “chiếu trên, chiếu dưới”; đồng thời, tạo động lực thực sự cho công cuộc phát triển giáo dục ĐH dựa vào chất lượng và hiệu quả, theo hướng “chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế”.

Thứ ba, xây dựng cơ sở pháp lý và cơ chế bảo đảm điều tiết vĩ mô của Nhà nước về cơ cấu và quy mô giáo dục ĐH đáp ứng nhu cầu nhân lực của đất nước trong từng thời kỳ; bảo đảm vai trò kiểm tra, giám sát của cộng đồng; phát huy vai trò của các đoàn thể, tổ chức quần chúng, đặc biệt là các hội nghề nghiệp trong việc giám sát sự phát triển và chất lượng giáo dục ĐH.

Thứ tư, xây dựng lộ trình rõ ràng và khả thi, đảm bảo giáo dục ĐH Việt Nam từng bước vươn tầm trên ‘bản đồ’ giáo dục ĐH thế giới, tạo niềm tin cho xã hội và cho các CSGD.

“Để xây dựng một nền giáo dục ĐH dân tộc, nhân dân và khai sáng, các trường ĐH thực sự là cái nôi của đổi mới sáng tạo theo những chuẩn mực và thông lệ quốc tế, cần nhiều thời gian, sức lực và tiền bạc nhưng đã đi là sẽ đến. Vấn đề là đi như thế nào sẽ đến nhanh hơn với hiệu quả đầu tư tiền bạc và thời gian thấp nhất” GS.TS Trần Đức Viên.
Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/trao-doi/hieu-dung-ve-tu-chu-trach-nhiem-giai-trinh-7R7WcSqng.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/trao-doi/hieu-dung-ve-tu-chu-trach-nhiem-giai-trinh-7R7WcSqng.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hiểu đúng về tự chủ trách nhiệm giải trình