Thời gian qua, Bộ GD&ĐT và ngành Giáo dục các địa phương đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho giáo viên làm quen với sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp. Nhà trường cũng quan tâm bồi dưỡng giáo viên dạy hoạt động này, có sơ kết, tổng kết và chia sẻ kinh nghiệm làm tốt cũng như khắc phục một số nhược điểm.
Cũng theo cô Thu, hiện có nhiều tổ chức quan tâm tới hoạt động này. Trong đó, Mạng lưới Quản lý giáo dục không biên giới - EduLightenUp đã triển khai dự án “Tam giác hướng nghiệp hiệu quả” tới 28 trường THPT ở một số tỉnh, thành như Hà Nội, Nam Định, Yên Bái…
Qua đó thể hiện mối liên hệ giữa trường phổ thông, trường đại học và doanh nghiệp trong việc hỗ trợ trường phổ thông làm tốt công tác hướng nghiệp. Nhà trường cũng áp dụng nhiều cách làm sáng tạo qua sinh hoạt dưới cờ, trải nghiệm nghề nghiệp thực tế tại doanh nghiệp để các em tự học tập, rèn các kỹ năng và có lựa chọn đúng đắn.
PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền - Chủ tịch Hội đồng quản lý và Hội đồng khoa học, Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục và Nghề nghiệp (STP) khẳng định, đội ngũ giáo viên chủ nhiệm có vai trò lớn vì luôn gần gũi và gắn bó với học sinh.
Thầy cô cần có kỹ năng hướng nghiệp cho học trò, phải hiểu được lĩnh vực hướng nghiệp, xu thế nghề nghiệp hiện đại nên cần được bồi dưỡng chuyên sâu. Bộ GD&ĐT đã có những chương trình bồi dưỡng giáo viên chủ nhiệm, nhưng nội dung về hướng nghiệp chưa thực sự rõ nét. Do đó, cần có chương trình bồi dưỡng dành riêng cho giáo viên về công tác hướng nghiệp.
“Có thực mới vực được đạo”, một số trường dành khoản tài chính nhất định để đãi ngộ cho giáo viên chủ nhiệm làm công tác hướng nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngân sách ở đa số các trường công lập chỉ đủ để chi cho lương giáo viên, nguồn kinh phí đó gần như không có cũng là thiệt thòi đối với các thầy cô. Dù vậy, nhiều thầy cô vẫn chủ động tham gia tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn.
“Cha mẹ phải hiểu được con mình thích gì, có đam mê, sở trường về lĩnh vực gì từ đó kết hợp với cô giáo chủ nhiệm để động viên, tạo điều kiện cho con phát triển theo đúng năng lực. Cô giáo là người được đào tạo bài bản, thấu hiểu tâm lý học sinh nên có những định hướng sâu sát tới từng em”, bà Huyền nhấn mạnh.
“Hướng nghiệp phải phù hợp tới từng nhóm học sinh. Đặc điểm tâm lý, mong muốn của mỗi em khác nhau. Làm sao để các em nhận ra điều đó, tự hào về sở trường của mình, cái gì phù hợp với khả năng và điều kiện kinh tế gia đình để có quyết định nghề nghiệp đúng đắn, tránh chọn nghề theo “trend”.
Học sinh cần cân nhắc 3 thứ: Tôi, thế giới nghề nghiệp, cân bằng với thu nhập và đem lại giá trị kinh tế. Các em lựa chọn đúng điểm giao thoa của 3 yếu tố trên thì hướng nghiệp mới thành công”. - PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền