Sinh viên Trường ĐH Kinh tế Quốc dân học tại thư viện. Ảnh: INT |
Trường ĐH Kinh tế Quốc dân thuộc nhóm trường đầu tiên được hưởng cơ chế tự chủ toàn diện, nhất là về đào tạo, học thuật. GS.TS Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng nhà trường cho hay, mở rộng tự chủ đã tạo điều kiện để nhà trường bứt phá, trong đó có việc mở ngành và chương trình đào tạo.
Hiện trường có 39 ngành đào tạo cấp IV, với 72 chương trình đào tạo, thuộc 15 nhóm ngành, 10 lĩnh vực. Trong kế hoạch 5 năm tới, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân có định hướng chiến lược để trở thành đại học. Trong cơ cấu sẽ có ít nhất 3 trường trực thuộc là Trường Kinh tế, Trường Kinh doanh và Trường Khoa học công nghệ.
Từ việc Trường ĐH Bách khoa Hà Nội trở thành ĐH Bách khoa Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn trao đổi, mỗi trường đại học cần xác định một cấu trúc tổ chức bên trong tối ưu để phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển cũng như sứ mệnh đã đặt ra. Với những trường có quy mô lớn và số lượng ngành đào tạo nhiều, nhu cầu bên trong cần phân cấp, tự chủ đa dạng như ĐH Bách khoa Hà Nội thì việc chuyển thành đại học là phù hợp và cần thiết. Ngược lại, những trường nhỏ mà tổ chức theo mô hình của trường lớn thì không hợp lý.
Trở thành đại học không phải là mục tiêu để các trường phải phấn đấu. Quan trọng là mỗi trường phải tìm được mô hình thật phù hợp để phát huy nội lực. Khi đó, các trường sẽ đóng góp chung cho sự phát triển của cả hệ thống.
Trước đó, ngày 2/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định 1512/QĐ-TTg về việc chuyển Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thành Đại học Bách khoa Hà Nội. Lãnh đạo cơ sở GDĐH này cho biết, Đại học Bách khoa Hà Nội có mô hình tổ chức và quản trị tiên tiến, bộ máy tinh gọn, tăng tính chủ động, sáng tạo ở các đơn vị; thực hiện phân cấp tự chủ mạnh nhưng không phân lập, không xây dựng các trường đại học thành viên và thống nhất quan điểm “Một Bách khoa Hà Nội”.
Quan điểm này thể hiện sự thống nhất về mục tiêu phát triển, giá trị cốt lõi, chuẩn mực và chất lượng của toàn đại học. Mô hình đào tạo cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ được áp dụng thống nhất với bộ chuẩn chương trình đào tạo và quy chế đào tạo do Đại học Bách khoa Hà Nội quy định. Người học khi tốt nghiệp các bậc trình độ đều được cấp văn bằng tốt nghiệp của Đại học Bách khoa Hà Nội để đảm bảo sự gắn kết giữa sinh viên, cựu sinh viên với vị thế và danh tiếng của đại học.
Theo TS Nguyễn Thị Kim Phụng, nếu có nhu cầu, điều kiện phát triển thành đại học thì phải có chiến lược, kế hoạch chi tiết để đầu tư hiệu quả. Việc phát triển thành đại học không phải là vấn đề vị thế hay tên gọi, mà là để hoạt động hiệu quả và chất lượng hơn. Nếu việc chuyển đổi này không phải là kết quả của quá trình phát triển thực chất, chưa đủ tầm để thay đổi về chất trong hoạt động, cũng như năng lực quản trị... sẽ giống như chui vào một cái áo quá khổ, tạo ra lực cản đối với các hoạt động. Điều đó sẽ không mang lại hiệu quả. Như vậy, cứ là một trường đại học tốt còn hơn trở thành một đại học không xứng tầm.