Hiệu trưởng cần tạo động lực để giáo viên thay đổi

31/03/2024, 18:59
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đứng trước sự thay đổi để thích ứng với tình hình mới, giáo viên cần được lãnh đạo nhà trường quan tâm, tạo động lực để tự nâng cao trình độ chuyên môn.

Tư duy lãnh đạo nhạy bén

Tại chuỗi sự kiện “Thắp lửa cùng tiến lên” năm 2024 do Mạng lưới quản lý giáo dục không biên giới - EdulightenUp tổ chức, rất nhiều chuyên gia, cán bộ quản lý giáo dục đã cùng nhau trao đổi về chủ đề "Hành trình lãnh đạo".

NGƯT Đinh Thị Tú - người có nhiều năm kinh nghiệm làm Giám đốc khối Tiểu học, Hệ thống giáo dục Vinschool đã cùng các đại biểu chiêm nghiệm, dẫn dắt những gợi mở cho thực hành lãnh đạo.

Đứng trước mỗi sự thay đổi, người lãnh đạo phải có tư duy nhạy bén và truyền cảm hứng, tạo động lực cho đồng nghiệp. Cô Đinh Thị Tú cho rằng, thầy cô phải gắn với mục tiêu môn học thì mới thay đổi và nâng cao chất lượng dạy học.

NGƯT Đinh Thị Tú trao đổi tại buổi thảo luận.
NGƯT Đinh Thị Tú trao đổi tại buổi thảo luận.

Ví dụ, mỗi trường học phải có kế hoạch cụ thể khi tổ chức Hoạt động trải nghiệm cho học sinh nhằm mục tiêu gì, gắn với môn nào, sản phẩm học sinh đạt được là gì? Hoạt động trải nghiệm thể hiện những kiến thức, kỹ năng ở một hoặc những môn học nào?

"Chúng ta không được nhầm lẫn giữa sự thay đổi với việc chỉ là tổ chức các sự kiện cho học sinh. Sự thay đổi nào cũng cần hướng đến mục tiêu giúp học sinh học tập tích cực hơn", NGƯT Đinh Thị Tú khẳng định.

Bên cạnh đó, cô Tú nhấn mạnh tới điều kiện, thách thức về sự thay đổi. Người Hiệu trưởng phải xác định đúng tầm nhìn; định hướng rõ về truyền thông; nhân sự phù hợp (học sinh, phụ huynh, chính quyền, thầy cô); kế hoạch thực hiện; huy động nguồn lực; đào tạo và hỗ trợ cho giáo viên.

Thầy Trần Nguyễn Khái Hưng - Hiệu trưởng Trường THPT Võ Thành Trinh, An Giang chia sẻ ý kiến với các đại biểu.
Thầy Trần Nguyễn Khái Hưng - Hiệu trưởng Trường THPT Võ Thành Trinh, An Giang chia sẻ ý kiến với các đại biểu.

Đồng tình với quan điểm trên, Thạc sĩ Trần Nguyễn Khái Hưng - Hiệu trưởng Trường THPT Võ Thành Trinh (tỉnh An Giang) luôn quan tâm, chú trọng đến việc tạo động lực cho các đồng nghiệp. Cứ 21h hàng ngày, các thầy cô cùng tham gia học tập trên Cộng đồng Giáo viên sáng tạo Việt Nam để nâng cao trình độ nghiệp vụ.

"Người quản lý cần nhìn nhận sự thay đổi tiến bộ của từng cá nhân, động viên khen thưởng anh em kịp thời. Đề cao tinh thần chia sẻ kiến thức, trách nhiệm và hợp tác ở mỗi cá nhân. Trao quyền giúp giáo viên tự khẳng định được năng lực trong tập thể, biết cảm ơn khi được giúp đỡ. Trường có sự giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm với các trường bạn" - thầy Khái Hưng nói.

Nỗ lực từ những điều nhỏ nhất

Các đại biểu cùng thảo luận nhiều vấn đề về hành trình lãnh đạo.
Các đại biểu cùng thảo luận nhiều vấn đề về hành trình lãnh đạo.

Cũng trong khuôn khổ hội thảo, bà Nguyễn Thị Hồng - Tổng Giám đốc Công ty Vinshop có những chia sẻ quan trọng trong hành trình lãnh đạo của mình. Theo bà, chúng ta phải vượt khỏi vòng vây an toàn để tìm kiếm cơ hội vượt lên chính mình. Bà đã có cơ hội để được làm việc lớn, tận dụng mọi cơ hội để bứt phá.

Môi trường rất quan trọng, nếu đảm bảo thì cả đội ngũ đều tự động vận hành trơn tru. Người lãnh đạo phải có năng lực, tố chất. Mỗi buổi sáng, bà đều gạch đầu dòng những việc không nên làm. Ta sẽ phải đủ thông thái để lựa chọn được những gì cần làm và ngược lại.

Các đại biểu cùng nhau thảo luận ý kiến về chủ đề được diễn giả trao đổi.
Các đại biểu cùng nhau thảo luận ý kiến về chủ đề được diễn giả trao đổi.

Bà Hồng cũng cho hay, nhiều người ở vai trò dẫn dắt nhóm vì giỏi chuyên môn và có những năng lực cá nhân xuất sắc, tuy nhiên vẫn gặp nhiều khó khăn. Lý do thường do “quản lý người khác trước khi tập trung quản lý bản thân” và “quản lý con người thay vì quản lý đầu ra công việc đã được thống nhất từ trước”.

"Kỷ luật là yếu tố vô cùng quan trọng của người lãnh đạo. Bất cứ một tổ chức nào cũng cần phải có kỷ luật để duy trì sức mạnh, sự cạnh tranh và uy tín. Trong trường học, khi người quản lý giữ kỷ luật về giờ giấc, nguyên tắc làm việc theo bảng mô tả công việc chung thì mọi việc cứ tuần tự như tiến. Nếu không, mỗi người làm một kiểu hiệu quả sẽ không như kỳ vọng", bà Hồng nhấn mạnh.

Cô Lê Thị Thu Hường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng trao đổi tại hội thảo.
Cô Lê Thị Thu Hường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng trao đổi tại hội thảo.

Một trong các vấn đề được quan tâm, trao đổi tại hội thảo đó là kinh nghiệm lãnh đạo đội nhóm hiệu quả. Cô Lê Thị Thu Hường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đô thị Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội) đã chia sẻ về hành trình xây dựng đội ngũ cũng như phát triển nhà trường trong những năm vừa qua.

Cô Hường chia sẻ: "Cá nhân tôi không làm nên thành công này, đó là thành quả của đội ngũ giáo viên và học sinh trong suốt hành trình đó. Bạn không thể mong đợi một kết quả mới nếu như bạn vẫn làm theo cách cũ. Cái cũ ở đây chính là chúng ta chưa bắt đầu bằng một đích đến".

Thạc sĩ Quản trị kinh doanh Nguyễn Kiều Linh - nhà sáng lập, Chủ tịch HĐQT Công ty FCE Việt Nam quan niệm, hiệu quả công việc không phải là sự đánh đổi cuộc sống cá nhân để nhận lại những hình ảnh đầu bù tóc rối. Vòng tròn Nhìn - Làm - Nhận chính là mô thức. Thay đổi con người là không thể cho đến khi người đó muốn.

"Tôi làm tốt nhất trong nguồn lực tôi có. Tôi tìm mọi cách và tôi sáng tạo ra tất cả các cách mà tôi có trong nguồn lực hiện có. Chúng ta đặt bao nhiêu sự ưu tiên và năng lượng vào sự thay đổi tư duy, thay vì tìm ra cách các để thay đổi?", bà Nguyễn Kiều Linh trao đổi.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hiệu trưởng cần tạo động lực để giáo viên thay đổi