Hỗ trợ học viên về đích

14/04/2024, 08:13
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Các trung tâm GDNN - GDTX thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ học viên ôn thi tốt nghiệp đạt kết quả cao nhất.

Phân chia học sinh thành từng nhóm theo năng lực, có kế hoạch bồi dưỡng sát sao, tập huấn, mời giáo viên trường THPT tham gia giảng dạy… là những biện pháp hữu hiệu mà các trung tâm GDNN - GDTX thực hiện để hỗ trợ học viên ôn thi tốt nghiệp đạt kết quả cao nhất.

Cùng nhau vượt khó

Tại Trung tâm GDNN - GDTX thị xã Sơn Tây (Hà Nội), thời điểm này nhà trường đang dành toàn lực để dạy cũng như ôn luyện cho học sinh 12 chuẩn bị bước vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Năm học 2023 - 2024, trung tâm có 300 học viên khối 12 sẽ tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong đó, 25% thí sinh dự kiến sẽ lấy kết quả thi tốt nghiệp để xét tuyển đại học, cao đẳng.

Thầy Nguyễn Văn Toàn - Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX thị xã Sơn Tây cho biết, việc ôn thi được tiến hành từ đầu học kỳ II (tháng 1/2024) - ngay sau thời điểm học sinh làm bài kiểm tra khảo sát theo đề của sở GD&ĐT.

“Dựa trên kết quả khảo sát, trung tâm đã phân loại học viên theo năng lực để hướng dẫn ôn thi. Trong đó có lọc ra nhóm những học viên có nguy cơ trượt tốt nghiệp để ôn tăng cường cho các em, giúp các em gia cố lại kiến thức”, thầy Toàn cho biết và chia sẻ thêm, trung tâm còn mời giáo viên của các trường THPT như Sơn Tây, Tùng Thiện, Xuân Khanh, Thạch Thất và Phúc Thọ (Hà Nội) về trường để dạy tăng cường, củng cố kiến thức cho học viên.

“Để tránh chồng chéo giữa thời khóa biểu chính khóa và thời gian học tăng cường, trung tâm đã khảo sát nhu cầu học của học sinh rồi mới sắp xếp thời khóa biểu sao cho hợp lý nhất. Thời gian ôn thi sẽ kéo dài đến cận ngày thi. Ngoài kiến thức, thầy cô sẽ tập trung hướng dẫn học viên kỹ năng làm bài, cách giảm áp lực tâm lý trường thi, học giai đoạn nước rút sao cho hiệu quả”, thầy Toàn nhấn mạnh.

Không để học viên nào bị tụt lại phía sau trong giai đoạn nước rút”, đó là khẩu hiệu mà thầy Hà Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) luôn “quán triệt” tới học sinh, cũng như toàn bộ cán bộ giáo viên tại trung tâm.

Ngay từ thời điểm tháng 1/2024 trung tâm đã triển khai hoạt động vừa học vừa ôn thi “chạy nước rút” cùng học viên cuối cấp. “Buổi sáng chúng tôi học chính khóa, buổi chiều chúng tôi sẽ tập trung ôn luyện lại kiến thức để những em nào yếu, học chậm được gia cố lại một lần nữa.

Với phương châm, học đến đâu, chắc đến đó để khi hoàn thành chương trình bước vào luyện đề học viên không bị mất gốc hay trống hổng kiến thức quá nhiều. Song song với đó, trung tâm cũng lưu ý các giáo viên chú ý đến học viên có năng lực yếu, trung bình để có phương án hỗ trợ ôn luyện những môn có nguy cơ trượt tốt nghiệp”, thầy Hà Ngọc Anh thông tin.

Tại Lạng Sơn, các giải pháp nâng cao chất lượng dạy học và ôn tập, nâng cao kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 đang được các nhà trường nỗ lực thực hiện, trong đó có khối GDTX.

Quy trình này nằm trong kế hoạch năm học và được thực hiện xuyên suốt qua các hoạt động như: Tổ chức hội nghị sinh hoạt chuyên môn khối GDTX; thực hiện giờ dạy mẫu đối với tiết ôn tập thi tốt nghiệp để toàn bộ giáo viên trong khối GDTX cùng dự giờ, đánh giá, rút kinh nghiệm; tập huấn công tác ôn tập thi tốt nghiệp THPT đối với giáo viên từng môn học: Giao nhiệm vụ cho giáo viên các đơn vị xây dựng kế hoạch bài dạy, phân tích đề minh họa do Bộ GD&ĐT ban hành, xây dựng các bài kiểm tra mẫu, ma trận, đặc tả đề các bài kiểm tra...

Bà Hà Thị Khánh Vân - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lạng Sơn cho biết, sở đã chỉ đạo các đơn vị rà soát, lập danh sách học viên có điều kiện, hoàn cảnh khó khăn để quan tâm giúp đỡ các em có đủ điều kiện vật dụng, tài liệu học tập, ôn và thi tốt nghiệp với mục tiêu hỗ trợ các em tối đa trong kỳ thi quan trọng sắp tới.

“Chúng tôi đã thành lập các đoàn cốt cán tư vấn ôn tập thi tốt nghiệp tại 100% các cơ sở giáo dục thực hiện chương trình GDTX cấp THPT. Quá trình tư vấn tập trung vào những vấn đề như: Nhận xét, góp ý về kế hoạch giáo dục, kế hoạch ôn tập của từng đơn vị, từ đó đề xuất chỉnh sửa kế hoạch, chương trình, nội dung ôn tập phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị.

Bên cạnh đó tăng cường tổ chức dự giờ trực tiếp các tiết ôn tập lớp 12 của các môn học viên đăng ký dự thi và đưa ra góp ý về phương pháp giảng dạy, ôn tập phù hợp với đối tượng học viên GDTX”, bà Vân chia sẻ.

Một tiết học của học viên lớp 12 Trung tâm GDTX II tỉnh Lạng Sơn. Ảnh NTCC
Một tiết học của học viên lớp 12 Trung tâm GDTX II tỉnh Lạng Sơn. Ảnh NTCC

Sát cánh cùng thí sinh khó khăn

Không chỉ tạo điều kiện trong việc ôn tập kiến thức, học viên khó khăn tại các trung tâm GDTX còn được hỗ trợ tối đa về các khoản chi phí, để gánh nặng tài chính không là rào cản trong hành trình chinh phục giấc mơ vào đại học của các em.

Điển hình, tại Trung tâm GDNN - GDTX thị xã Sơn Tây, ngay từ đầu năm học nhà trường và hội cha mẹ học sinh đã thống nhất không thu bất kể một khoản nào của những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, các em còn được nhận quà hỗ trợ dịp khai giảng, cuối kỳ I. “Học viên cũng được miễn phí tất cả các khoản học thêm trong quá trình ôn thi, được hỗ trợ bút mực, sách vở ôn luyện”, thầy Toàn cho biết.

Tương tự, Trung tâm Giáo dục thường xuyên II tỉnh Lạng Sơn (Lạng Sơn) cũng đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn để các em yên tâm học, ôn thi tốt nghiệp THPT. Ngoài giờ ôn thi chung cho tất cả học viên khối 12, đơn vị này còn tổ chức lớp học riêng dành cho những đối tượng học sinh khó khăn. Các thầy, cô dạy hoàn toàn miễn phí từ tháng 4 đến hết ngày 20/6.

“Vào ngày các em dự thi tốt nghiệp THPT, mỗi học viên khó khăn sẽ được trung tâm hỗ trợ 30.000 đồng/suất ăn trưa. Nếu học viên ở trọ, trung tâm sẽ liên hệ với nhà dân hoặc các trường bán trú, nội trú để phối hợp tạo điều kiện sắp chỗ ở cho các em. Chúng tôi cũng phối hợp với Huyện đoàn hỗ trợ phát nước trong các buổi thi cho thí sinh”, thầy Đậu Đình Phong - Trung tâm Giáo dục thường xuyên II tỉnh Lạng Sơn cho biết.

Ngoài ra, trung tâm còn bố trí đội ngũ xe ôm tình nguyện, sẵn sàng đưa, đón các em đến điểm thi trong trường hợp xảy ra sự cố hoặc trục trặc trong việc di chuyển.

“Chúng tôi tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT 2 lần/năm học, hướng dẫn các đơn vị phân tích kết quả thi thử của học viên, qua đó đưa ra dự báo tình hình tốt nghiệp. Việc chỉ đạo phân hóa đối tượng học viên theo kết quả thi thử để điều chỉnh kịp thời nội dung, phương pháp ôn tập cho các em, tập trung ôn luyện kỹ năng làm bài thi cho học viên đạt kết quả chưa tốt tại các kỳ thi thử cũng được coi trọng”, bà Hà Thị Khánh Vân cho biết.

Bài liên quan
An Giang tập huấn công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024
Sở GD&ĐT An Giang tổ chức Hội nghị tập huấn sử dụng phần mềm quản lý thi tốt nghiệp và công tác tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hỗ trợ học viên về đích