Dự thảo Chương trình được xây dựng trên các quan điểm và nguyên tắc cơ bản: Tiếp tục cụ thể hóa các quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước về chính sách phát triển giáo dục và đào tạo, đảm bảo học sinh thuộc đối tượng được hưởng chính sách xã hội, người DTTS, học sinh nghèo - được tiếp cận với giáo dục có chất lượng; Đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, phù hợp với các văn bản pháp luật có liên quan như Luật Giáo dục (2005), Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục (2009), Luật Trẻ em.
Giờ chơi của trẻ em người dân tộc thiểu số Trường MN Nà Hắc, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái |
Các nhiệm vụ và giải pháp Chương trình hỗ trợ Phát triển GDMN vùng khó khăn quy định tại Chương trình đã được rà soát, căn cứ vào các quy định tại các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình của Chính phủ đang còn hiệu lực, thực hiện ổn định và đã được thực tiễn kiểm nghiệm. Ngoài ra, dự thảo Chương trình có bổ sung một số giải pháp, nhiệm vụ mới phù hợp với thực tiễn và nhu cầu phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn, miền núi, DTTS.
Để triển khai, Bộ GD&ĐT đã tổ chức khảo sát tình hình thực hiện chính sách ở 9 tỉnh/thành phố; tổng kết báo cáo của 63 tỉnh/thành phố; tổ chức Hội thảo xin ý kiến rộng rãi các chuyên gia, các nhà giáo dục, với sự tham gia của các Bộ, ngành, địa phương, trong đó có nội dung đánh giá tình hình thực hiện một số chính sách phát triển GDMN giai đoạn 2010-2020 để làm căn cứ nghiên cứu xây dựng Chương trình. Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng Chương trình có sự tham gia của đại diện các bộ, ngành có liên quan.
Phiên chợ vùng cao của trẻ mầm non xã vùng cao Hồng Ca, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái |
Đóng góp ý kiến tại buổi làm việc, thành viên Ban soạn thảo đến từ các đơn vị chức năng của Bộ GD&ĐT đã tiếp tục đưa ra các quan điểm hoàn thiện Dự thảo Đề án theo đúng các mục tiêu đề ra. Chi tiết rõ các nội dung mục tiêu đưa vào Chương trình, Đầu tư cơ sở vật chất, Hỗ trợ nhà giáo và cơ sở GDMN, Triển khai chương trình GDMN phù hợp với vùng khó khăn, miền núi, dân tộc thiểu số, phù hợp với đối tượng trẻ em và huy động các nguồn lực phát triển GDMN, cũng như việc tăng cường công tác phối hợp liên ngành, đẩy mạnh hợp tác quốc tế.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh yêu cầu Ban soạn thảo tiếp tục hoàn thiện các nội dung liên quan. Đây là chương trình hết sức quan trọng, xây dựng Đề án thực hiện phải nói rõ quan điểm, thực trạng và nguồn dữ liệu phân tích, nhận định để làm rõ các nội dung đưa ra. Làm rõ các nhóm đối tượng thụ hưởng được quan tâm, tình trạng trẻ thấp còi, suy dinh dưỡng; cán bộ, đội ngũ nhà giáo cần được bồi dưỡng nâng chuẩn, tiếng dân tộc… Cơ sở GDMN cần có sự quan tâm, chuẩn thế nào để đảm bảo trẻ phát triển toàn diện...
Nội dung Chương trình cần phải rõ chỉ tiêu chung về hỗ trợ GDMN vùng khó khăn; Chỉ tiêu về tỉ lệ huy động trẻ ra lớp và chăm sóc, giáo dục theo chương trình GDMN định rõ đối tượng và phạm vi áp dụng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thực hiện Chương trình, Nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển GDMN vùng khó khăn, Nâng năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục vùng khó khăn, miền núi, dân tộc thiểu số, bồi dưỡng đội ngũ cộng tác viên hỗ trợ ngôn ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ em người dân tộc thiểu số.