Hoa rừng 'nở' vội

Hà Linh | 21/10/2022, 06:22
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Sau mỗi kỳ nghỉ hè, ở nhiều xã vùng cao Điện Biên lại ghi nhận vài nữ sinh độ tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” nghỉ học lấy chồng.

“Càng nghĩ, em càng tự trách mình sao không suy nghĩ kỹ, lấy chồng sớm thế để giờ vất vả. Nhưng rồi, sau cùng lại vì con mà tiếp tục cố gắng làm lụng, vun đắp. Chỉ mong đời con sau này bớt khổ”, Phúc tâm sự.

Éo le hơn Phúc, vì mang thai ở tuổi 14 nên sau sinh sức khỏe của Dung giảm sút nghiêm trọng. Con em cũng bị suy dinh dưỡng, thường xuyên ốm đau và 2 lần phải nhập viện. Thể trạng yếu nên đa phần Dung chỉ ở nhà, làm các việc nhẹ nhàng. Em không tự chăm sóc tốt cho con được, mỗi lần cháu ốm đau đều phải nhờ bà ngoại giúp.

Ở tuổi “bẻ gãy sừng trâu”, thay vì đến trường, vui chơi cùng bạn bè, giờ Dung dành toàn thời gian và sự quan tâm cho con nhỏ. Nhìn đứa con tròn 3 tuổi mới ú ớ phát âm được vài tiếng, Dung không khỏi lo lắng. “Cháu mới chỉ nói được một số từ đơn thôi. Em sợ con chậm nói, nên cứ nói chuyện với con nhiều hơn chứ cũng chưa có điều kiện đi khám xem thế nào”, Dung bộc bạch.

Gây dựng “hạt nhân” đồng cảm

Sinh ra và lớn lên cùng địa bàn nên hàng ngày, cô bé Cà Thị Hiền, lớp 9A2, Trường THCS Rạng Đông chứng kiến nhiều hoàn cảnh tương tự. Thấu hiểu nỗi khổ của những người chị, song chính Hiền cũng từng chia sẻ em không đủ tự tin là mình sẽ tránh được “vết xe đổ”.

Năm 2020, THCS Rạng Đông là 1 trong 4 ngôi trường của huyện Tuần Giáo lựa chọn triển khai Dự án MOFA, do Tổ chức Tầm nhìn thế giới hỗ trợ. Hiền (khi đó học lớp 7) may mắn được lựa chọn là 40 nữ sinh toàn trường tham gia dự án. Đây chính là cơ hội làm thay đổi cuộc đời nữ sinh, bắt đầu từ những chuyển biến tích cực trong nhận thức.

Hoa rừng 'nở' vội ảnh 3

Học sinh Trường PTDTBT THCS Ta Ma tham gia sinh hoạt câu lạc bộ trẻ em gái.

Theo thầy Phạm Tiến Dũng, Tổng phụ trách Đội chia sẻ, thì dự án triển khai thành lập các câu lạc bộ trẻ em gái. Tại đây, các em sẽ được học tập, rèn luyện nhiều kỹ năng sống cơ bản. Trọng tâm là nâng cao nhận thức, hiểu biết để tự bảo vệ bản thân trước các tác đồng xấu, như: Bạo lực, mua bán người, tảo hôn, sử dụng mạng xã hội…

“Hiền và đa phần trẻ trước khi tham gia câu lạc bộ đều có điểm yếu chung là hạn chế trong giao tiếp, nhút nhát, thiếu kiến thức, kỹ năng. Đặc biệt là chưa hiểu và biết cách bảo vệ bản thân trước vấn nạn tảo hôn. Thế nhưng, hiện giờ các em đều tự tin hơn rất nhiều. 100% có thể thuyết trình trước đám đông và trở thành những hạt nhân tích cực trong hoạt động truyền thông về các vấn đề liên quan tại trường, cũng như địa bàn dân cư”, thầy Dũng chia sẻ.

Cũng như Hiền, Giàng Thị Phương (lớp 9A2, Trường PTDTBT THCS Ta Ma) không chỉ tích cực ở trường mà hiện đang trở thành “tuyên truyền viên” dân số tại bản Háng Sua – nơi em sinh sống. Hiền cho hay, mỗi tháng một lần, em và các bạn trong CLB được tham gia sinh hoạt định kỳ. Tại đây, các em thoải mái chia sẻ những câu chuyện mình chứng kiến thường ngày hoặc vướng mắc của chính bản thân. Đồng thời, lắng nghe những lời khuyên, kinh nghiệm bổ ích để giải quyết các vấn đề.

“Từ kiến thức tiếp thu được qua những buổi sinh hoạt như thế, em thấy mình hiểu biết và tự tin hơn nhiều. Lớp em có 3 thành viên trong CLB, sau mỗi lần tiếp thu, chúng em về lại chia sẻ cùng bạn bè trong lớp, trong bản. Không chỉ là kiến thức, em mong muốn sẽ truyền được cảm hứng, lý tưởng học tập. Để các bạn cùng nhau phấn đấu, rèn luyện”, Phương tâm sự.

Theo thầy Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Ta Ma - Phan Văn Đạt thì hoạt động của câu lạc bộ không chỉ ý nghĩa mà rất phù hợp với thực tế nhà trường. Bởi lẽ, mặc dù số học sinh ở nội trú tại trường đông, đặc biệt học sinh nữ (188 em), song nhà trường lại chỉ có 3/28 giáo viên nữ.

“Với đa phần các em học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số vốn đã rất nhút nhát. Lại thêm việc các em ngại tâm sự, chia sẻ với thầy giáo, đặc biệt là những chuyện tế nhị nên khoảng cách giữa thầy và trò lớn. Hoạt động truyền thông cũng không hiệu quả. Nhưng khi tham gia câu lạc bộ, chính các em tự hiểu, rồi chia sẻ với nhau, vận động nhau lại thuận lợi hơn rất nhiều”, thầy Đạt bộc bạch.

Thành viên tham gia câu lạc bộ đều được nhà trường xây dựng thành các “hạt nhân” tuyên truyền của nhà trường và cơ sở. Số lượng “hạt nhân” tại các lớp tùy thuộc vào thực tế. Các khối 6, 7 thường chỉ duy trì từ 2 – 3 em, khối 8 và 9 có thể lên tới 5 em. “Do ở các lớp lớn thì nguy cơ càng nhiều hơn nên số lượng tuyên truyền viên cũng phải tăng cường”, thầy Đạt lý giải.

Cũng theo chia sẻ này của thầy Đạt thì năm học vừa qua, trường ghi nhận 2 học sinh đang học dở lớp 8 có ý định bỏ học lấy chồng. Tuy nhiên, sau nhiều lần vận động, tuyên truyền, đặc biệt là những chia sẻ, đồng cảm của các bạn trong CLB thì cả 2 học sinh đều đã trở lại trường, tiếp tục con đường học tập.

“Việc thay đổi thể hiện trên con số thì không thể nhìn thấy trong một sớm một chiều. Nhất là ở địa phương vẫn còn nhiều rào cản từ phong tục, tập quán, tư duy. Tuy nhiên, quan trọng nhất là dù trong hoàn cảnh nào thì việc ưu tiên vẫn phải là học. Và ở đây, chúng tôi đang nỗ lực để con đường học tập của các em không bị gián đoạn vì những lối rẽ sai lầm…”, thầy Đạt tâm sự.

Những năm gần đây, các hoạt động truyền thông phòng chống tảo hôn, bỏ học giữa chừng được ngành chỉ đạo các đơn vị nhà trường triển khai đồng bộ và đa dạng hình thức. Trong đó, việc xây dựng các CLB trẻ em gái đang mang lại những hiệu quả bước đầu. Thông qua đó để tìm kiếm hạt nhân, gây dựng chính các em trở thành những tuyên truyền viên hiệu quả nhất. Thời gian tới, ngành sẽ có đánh giá và tiếp tục mở rộng mô hình ở các trường học. - Ông Đỗ Văn Sơn (Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tuần Giáo)

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/hoa-rung-no-voi-post611826.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/hoa-rung-no-voi-post611826.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hoa rừng 'nở' vội