Từng nổi danh với nghề gốm thủ công truyền thống, làng Cẩm Trang (Hà Tĩnh) ven sông Ngàn Sâu từng vang bóng một thời.
Những hiện vật cũ kỹ được sưu tầm đang kể lại câu chuyện của cha ông.
Làng Cẩm Trang (trước là xã Đức Giang, huyện Vũ Quang) thuộc xã Mai Hoa, Hà Tĩnh - một thời nổi danh khắp vùng với các sản phẩm gốm phục vụ sinh hoạt đời thường - đã trải qua hơn hai thế kỷ rực rỡ và cuối cùng dần trôi vào quên lãng. Theo lời kể của các cụ cao niên trong làng, nghề gốm ở đây đã xuất hiện từ khoảng thế kỷ XVII, do các nhóm cư dân từ miền Bắc mang vào.
Nhận thấy vùng đất ven sông Ngàn Sâu màu mỡ, nhiều bãi đất trũng thích hợp với việc lấy đất sét, họ chọn nơi đây làm nơi sinh sống, lập xưởng và truyền nghề. Từ đó, gốm Cẩm Trang ra đời, len lỏi vào từng nếp sống và gắn bó người dân gần 300 năm.
Những bãi đất rộng ven sông từng là nơi nhộn nhịp với tiếng gõ khuôn, người nhào đất, củi lửa cháy trong các lò nung. Gốm Cẩm Trang không cầu kỳ hoa mỹ, không tráng men, không vẽ họa tiết tinh xảo. Sản phẩm chủ yếu là vật dụng phục vụ đời sống sinh hoạt như chum, vại, hũ, nồi đất.
Những món đồ tuy thô mộc nhưng bền, chắc, dùng để đựng nước, muối, mắm, dưa cà, hạt giống hay để nấu ăn. Một số sản phẩm được in hoa văn đơn giản như hình sóng nước, răng cưa, vòng tròn đồng tâm, vừa có tác dụng trang trí, vừa giúp chống trơn trượt khi cầm nắm.
Quy trình làm gốm ở Cẩm Trang hoàn toàn thủ công. Người thợ phải chọn loại đất thích hợp, nhào kỹ, rồi tạo hình bằng tay hoặc bằng bàn xoay đơn giản. Sản phẩm sau khi tạo hình được đem phơi khô rồi đưa vào lò nung.
Nhiên liệu nung là củi rừng, đốt liên tục nhiều giờ. Trong lò, vị trí đặt sản phẩm ảnh hưởng đến chất lượng thành phẩm. Những món nằm gần buồng lửa sẽ chín đều, rắn chắc, gọi là gốm sành mịn. Những món đặt xa lửa hơn thì nhẹ, xốp hơn, thường dùng để đựng đồ khô.
Vào giai đoạn cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX, nghề gốm Cẩm Trang phát triển rực rỡ. Dọc bờ sông dài hơn hai cây số là lò nung, sân phơi, kho chứa, xưởng sản xuất nối tiếp nhau. Cả làng cùng làm gốm. Người lớn làm việc chính, trẻ con nhặt củi, bơm nước, tiếp đất sét.
Những sản phẩm làm ra được gánh bộ hoặc chất lên thuyền để chở đến các chợ vùng ven. Thuyền bè qua lại tấp nập, không khí làng nghề rộn ràng suốt ngày đêm. Nghề gốm không chỉ đem lại sinh kế mà còn tạo nên nét đặc trưng cho làng Cẩm Trang, một vùng đất gắn liền với mùi đất sét, khói lò và tiếng lao động cần mẫn.
“Hồi tôi còn nhỏ, làng mình cả dãy dài ven sông là lò gốm. Đêm nào cũng sáng rực lửa. Người làm, người phơi, người nung, người gánh gốm đi chợ… rộn ràng lắm”, ông Lê Doãn Hoạt (75 tuổi) nhớ lại.
Đến những năm 1960 - 1970, một xí nghiệp gốm sành cũng được thành lập tại làng. Dù không phải là cơ sở quy mô lớn, nhưng xí nghiệp tập trung nhiều thợ giỏi, sản xuất ổn định trong thời kỳ bao cấp.
Trong giai đoạn mà các vật dụng thủ công vẫn còn chỗ đứng trong đời sống người dân, xí nghiệp góp phần giữ gìn nghề tổ và truyền lửa cho lớp thợ kế tiếp. Với người dân Cẩm Trang, đó là giai đoạn tự hào, khi cả làng làm gốm có tổ chức, có định hướng và có thị trường ổn định.
Tuy vậy, theo thời gian, nghề gốm truyền thống bắt đầu rơi vào thoái trào. Khi các vật liệu mới như nhựa, kim loại, inox và đồ sứ tráng men công nghiệp xuất hiện, sản phẩm gốm thủ công dần mất đi chỗ đứng. Sự tiện lợi, giá rẻ, độ bền cao của các vật liệu mới khiến người tiêu dùng không còn mặn mà với chum vại, nồi hũ đất sét. Gốm Cẩm Trang không cạnh tranh được về giá, mẫu mã, và cả độ tiện dụng.
Người làm nghề già yếu dần, con cháu không còn theo nghề, nhiều người chuyển sang làm nông nghiệp hoặc đi làm ăn xa. Các lò gốm bỏ hoang. Bãi đất lấy sét bị lấp, sân phơi mọc cỏ dại. Những hình ảnh quen thuộc từng gắn bó với đời sống bao thế hệ dần biến mất. Đồ gốm Cẩm Trang chỉ còn sót lại trong vài ngôi nhà cũ, nằm lặng lẽ trong xó bếp, dưới hiên nhà, bên bể nước hay dưới giếng làng.
Ngày nay, nếu không có người nhắc lại, thì không mấy người trẻ ở Cẩm Trang biết rằng quê hương mình từng có một làng nghề gốm. Những chiếc chum, cái vại, cái hũ… chỉ còn được người già giữ lại như một kỷ niệm. Có món đã sứt mẻ, bạc màu, nhưng vẫn được cất giữ cẩn thận.
Không còn để sử dụng, mà chỉ để nhìn lại, để nhớ về một thời đã xa. Nhưng giữa sự lãng quên của làng nghề cũ, có một người con của làng lặng lẽ gom nhặt những dấu tích xưa. Đó là ông Lê Doãn Hoạt, đời thứ 10 trong dòng họ Lê Doãn ở làng Cẩm Trang.
Sau nhiều năm làm ăn xa, ông Hoạt trở về quê, dựng lại nhà thờ họ. Trong quá trình tìm hiểu về nguồn gốc dòng tộc, ông nhận ra rằng nếu không có ai lưu giữ, thì chỉ một vài thế hệ nữa, mọi dấu tích về nghề gốm sẽ không còn. Từ đó, ông cùng con cháu bắt đầu hành trình sưu tầm lại những sản phẩm gốm Cẩm Trang cũ.
Ông tìm đến nhà bà con, hàng xóm, đi khắp các xã lân cận. Hễ nghe đâu còn chum vại, hũ lọ… làm từ làng gốm xưa, ông đều xin hoặc mua lại. Mỗi món đồ đều được rửa sạch, lau chùi, phân loại rồi trưng bày trang trọng trong khuôn viên nhà thờ tổ.
Ông Lê Doãn Hiếu (SN 1962, thuộc Ban Trị sự nhà thờ họ Lê Doãn) chia sẻ: “Với tâm nguyện gìn giữ những giá trị văn hóa mà cha ông để lại, con cháu trong dòng họ đã dày công sưu tầm các hiện vật gốm thuộc làng nghề Cẩm Trang xưa. Dù đã trải qua hàng trăm năm và nhiều hiện vật không còn nguyên vẹn, nhưng chúng tôi luôn tự hào vì có thể góp phần lưu giữ những cổ vật quý giá này”.
Hiện nay, nhà thờ họ Lê Doãn đang lưu giữ hơn 40 hiện vật gốm cổ. Những chiếc vại đựng dưa, hũ đựng nước mưa, bình hoa… tất cả đều được sắp xếp cẩn thận trong tủ kính hoặc trên giá gỗ. Mỗi hiện vật đều có ghi chú rõ ràng, đơn giản nhưng đầy đủ. Có cái đề “Vại đựng dưa - khoảng 1930”, có cái ghi “Hũ đựng nước mưa - khoảng 1950”, có cái chỉ ghi “Không rõ năm”…
“Dù không còn nguyên vẹn, có món nứt vỡ, có món đã bạc màu, nhưng với tôi và con cháu, đây là một phần ký ức, là chứng tích của nghề tổ”, ông Hoạt bày tỏ và nói rằng việc làm này không phải vì danh tiếng hay vì tiền bạc, mà chỉ mong con cháu sau này biết ông bà mình từng sống thế nào, từng làm ra những món đồ ra sao, từng đổ bao nhiêu mồ hôi trên vùng đất này để kiếm sống.
Dù những vật dụng cũ kỹ, thô mộc không còn dùng được nữa, nhưng chúng vẫn có giá trị lưu giữ, vẫn là một phần của làng, và ông tin rằng chỉ cần còn người nhớ, thì nghề ấy chưa mất hẳn.
Việc làm của ông Hoạt và dòng họ Lê Doãn đã được chính quyền địa phương ghi nhận. Trước khi sáp nhập, huyện Vũ Quang đã phối hợp với ngành văn hóa khảo sát, lập hồ sơ về làng gốm Cẩm Trang. Phòng Văn hóa - Thông tin huyện cùng xã Đức Giang đã mở rộng việc sưu tầm hiện vật, ghi chép lời kể của các cụ cao niên, tìm hiểu kỹ thuật tạo hình và nung gốm để làm cơ sở cho việc phục dựng, lưu giữ và truyền lại cho thế hệ sau. Đồng thời vận động các hộ dân nếu còn hiện vật thì cùng đóng góp lưu giữ chung.
Xã Mai Hoa là đơn vị hành chính mới được sáp nhập từ các xã Đức Giang, Ân Phú và Đức Lĩnh thuộc huyện Vũ Quang trước đây. Hiện nay, chính quyền xã đang trong quá trình từng bước củng cố bộ máy và tổ chức. Xã đã tổ chức họp để thành lập các ban, phân công cán bộ chuyên trách phụ trách từng lĩnh vực, trong đó có Ban Phụ trách công tác bảo tồn di tích lịch sử - văn hóa.
Đối với các làng nghề và di tích trên địa bàn, dù hiện chưa có kế hoạch cụ thể, nhưng trong định hướng phát triển lâu dài, xã xác định sẽ ưu tiên bảo tồn và phát triển những làng nghề, di tích có tiềm năng, đồng thời gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương.
Với nghề gốm Cẩm Trang, dù chúng tôi chưa thể khôi phục sản xuất ngay, nhưng việc lưu giữ các hiện vật, ghi chép lại câu chuyện và truyền lại ký ức về nghề cũng được xem là đóng góp thiết thực trong việc bảo tồn di sản văn hóa của xã. Ông LÊ ANH TUẤN, Phó Chủ tịch UBND xã Mai Hoa (Hà Tĩnh)