Dù không bắt buộc, người dân có thể cân nhắc cập nhật lại thông tin sổ đỏ trong các trường hợp như: Khi thực hiện giao dịch đất đai (chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp…) và muốn đồng bộ địa chỉ với các giấy tờ khác.
Theo quy định tại Điều 133, Luật Đất đai 2024 quy định việc đăng ký biến động được thực hiện đối với trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận khi thay đổi ranh giới, mốc giới, kích thước các cạnh, diện tích, số hiệu và địa chỉ của thửa đất;… được cơ quan có thẩm quyền xác nhận trên giấy chứng nhận đã cấp hoặc cấp mới giấy chứng nhận khi người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có nhu cầu.
Như vậy, người dân không cần đi đính chính lại sổ đỏ khi sáp nhập tỉnh thành. Việc thay đổi địa giới hành chính không làm mất hiệu lực của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Sổ đỏ, sổ hồng đã cấp vẫn có đầy đủ giá trị pháp lý, người dân cũng không cần đổi lại nếu không có nhu cầu.
Đồng thời, sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, không bắt buộc người dân phải chỉnh lý đồng loạt các giấy chứng nhận đã cấp, trừ trường hợp người sử dụng đất có nhu cầu hoặc khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai.
Các giấy tờ vẫn có giá trị pháp lý đầy đủ và không cần thay đổi, trừ khi người dân thực hiện thủ tục như chia tách, chuyển nhượng... Khi đó, cơ quan nhà nước sẽ vừa thực hiện thủ tục hành chính, vừa chỉnh lý theo ranh giới hành chính mới, cập nhật số liệu, tờ thửa mới.
Dù không bắt buộc, người dân có thể cân nhắc cập nhật lại thông tin sổ đỏ trong các trường hợp sau: Khi thực hiện giao dịch đất đai (chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp…) và muốn đồng bộ địa chỉ với các giấy tờ khác.
Theo hướng dẫn của Bộ TN&MT, nếu người dân muốn cập nhật thông tin địa giới hành chính mới trên sổ đỏ, thủ tục như sau: Đơn đề nghị cập nhật thông tin; Bản gốc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Giấy tờ tùy thân.
Người dân nộp hồ sơ tại văn phòng Đăng ký đất đai hoặc UBND cấp xã (theo cơ chế một cửa). Nhận thông báo, đóng lệ phí và nhận lại sổ đỏ đã cập nhật phần địa danh (nếu có). Việc cập nhật không làm thay đổi bản chất quyền sử dụng đất và không bị giới hạn thời gian thực hiện.
Thông tin đính chính thể hiện thế nào trên sổ đỏ?
Trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thay đổi thông tin địa chỉ thì trên Giấy chứng nhận sẽ thể hiện như sau: "Người sử dụng đất (hoặc chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất) ... (ghi nội dung thay đổi) từ ... thành ... (ghi thông tin trước và sau khi thay đổi) theo hồ sơ số ... (ghi mã hồ sơ thủ tục đăng ký)".
Trường hợp Giấy chứng nhận đã cấp không còn chỗ trống để điền thông tin xác nhận thay đổi: Thực hiện cấp mới Giấy chứng nhận.
Thay đổi thông tin căn cước công dân thế nào?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 21 Nghị quyết 35/2023/NQ-UBTVQH15 quy định về chuyển đổi giấy tờ cho cá nhân, tổ chức có nêu rõ: "Các loại giấy tờ đã được cơ quan có thẩm quyền cấp cho cá nhân, công dân, tổ chức trước khi thực hiện sắp xếp theo đơn vị hành chính cũ nếu chưa hết thời hạn theo quy định vẫn được tiếp tục sử dụng."
Ngoài ra, tại điểm đ khoản 1 Điều 24 của Luật Căn cước 2023 quy định một trong các trường cấp đổi thẻ căn cước là "Theo yêu cầu của người được cấp thẻ căn cước khi thông tin trên thẻ căn cước thay đổi do sắp xếp đơn vị hành chính."
Như vậy, thẻ CCCD và thẻ Căn Cước được cơ quan có thẩm quyền cấp cho công dân trước khi thực hiện sắp xếp theo đơn vị hành chính hay sáp nhập phường, xã nếu chưa hết thời hạn thì vẫn được tiếp tục sử dụng. Tuy nhiên, công dân có thể thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ mới nếu có nhu cầu.
Việc cập nhật thông tin trên thẻ CCCD là điều nên làm để tránh rắc rối trong các giao dịch yêu cầu thông tin chính xác, như mở tài khoản ngân hàng, ký kết hợp đồng hoặc các thủ tục xuất nhập cảnh. Việc sở hữu thẻ CCCD với thông tin cập nhật giúp đảm bảo quyền lợi của công dân trong các chương trình, chính sách hỗ trợ từ nhà nước và địa phương.
Đồng thời, nếu người dân cấp đổi thẻ căn cước khi thông tin trên thẻ căn cước thay đổi do sắp xếp đơn vị hành chính thì sẽ không phải nộp lệ phí.