Các nhà khoa học Việt phân lập thành công 9 hợp chất xanthone mới từ cây tai chua và nghiên cứu thành phần hóa học, hoạt tính sinh học của cây trai lý.
PGS.TS Trần Thị Thu Thủy và cộng sự tại Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam vừa nghiên cứu thành phần hóa học và hoạt tính chống ung thư của hai loài Garcinia cowa (tai chua) và Garcinia fagraeoides (trai lý).
Nhóm nghiên cứu đã phân lập thành công 9 hợp chất xanthone mới từ cây tai chua; bước đầu nghiên cứu thành phần hóa học, hoạt tính sinh học của lá và vỏ cây trai lý.
Theo PGS.TS Trần Thị Thu Thủy, cây trai lý là loài cây gỗ bản địa Việt Nam, phân bố chủ yếu tại vùng rừng núi phía Bắc và Trung Bộ như các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hòa Bình, Hà Bắc, Ninh Bình và Nghệ An.
Các lớp chất điển hình có trong cây bao gồm xanthone, phloroglucinol và flavonoid với các hoạt tính sinh học như chống ung thư, chống tiểu đường, chống oxi hóa, kháng khuẩn, kháng virus, kháng sốt rét... Vỏ cây được sử dụng trong y học cổ truyền để điều trị sốt rét và tiêu viêm.
Cây tai chua là loại cây ăn quả nhiệt đới, mọc hoang ven rừng tại Đông Nam Á. Ở Việt Nam, cây mọc trong rừng núi vùng Trung du các tỉnh từ miền Bắc đến miền Trung.
Đây là một cây thuốc cổ truyền được sử dụng rộng rãi tại các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam để chữa sốt, ho, khó tiêu, nhuận tràng và bệnh liên quan đến ký sinh trùng. Hơn 80 hợp chất xanthone đã được phân lập từ loài cây này với phổ hoạt tính sinh học phong phú và có nhiều chất được đánh giá có khả năng chống ung thư, sốt rét tiềm năng.
Nhận thấy, cây tai chua và trai lý có thành phần hoá học, hoạt tính sinh học tiềm năng, cần có thêm những nghiên cứu, nhóm đã tiến hành phân lập, xác định cấu trúc hóa học của 25 hợp chất (21 xanthone) từ mẫu cây tai chua (trong đó có 9 hợp chất xanthone mới) cùng 14 hợp chất từ mẫu cây trai lý.
Hoạt tính gây độc tế bào của 18 cặn chiết và 24 hợp chất đã được đánh giá trên 4 dòng tế bào ung thư ở người là ung thư gan (Hep-G2), ung thư phổi (LU-1), ung thư đại tràng (HT-29 ) và ung thư cổ tử cung (HeLa).
Các hợp chất có hoạt tính mạnh với trên 1-3 dòng tế bào là GC5, GC8, GC9, GC10, GC15, GF6, GF7 và hỗn hợp GF9+GF10. Ngoài ra, 3 hợp chất mới là GC11, GC16 và GC17 đã được đánh giá hoạt tính gây độc, ức chế tăng sinh trên 3 dòng tế bào ung thư là ung thư buồng trứng (A2780), ung thư buồng trứng kháng cis-platin (A2780cis) và ung thư đại tràng (HCT116).
Nhóm nghiên cứu đã đánh giá hoạt tính bảo vệ thần kinh trên dòng tế bào HT-22 của 18 hợp chất từ cây tai chua. Có 4 hợp chất đã thể hiện hoạt tính bảo vệ thần kinh, đặc biệt hợp chất mới garcicowanone F (GC11) thể hiện hoạt tính mạnh nhất và không gây độc đối với tế bào ở nồng độ thử nghiệm.
Cũng trong nghiên cứu này, PGS Thuỷ và cộng sự đã đánh giá hoạt tính ức chế enzyme α-glucosidase của 9 hợp chất từ cây tai chua. Trong đó, 4 hợp chất đã thể hiện hoạt tính mạnh hơn acarbose, đặc biệt là 2 hợp chất norcowanin (GC8) và cowanol (GC9) với IC50 tương ứng là 33.5 và 17.2 µM.
PGS.TS. Trần Thị Thu Thủy cho biết, từ các nghiên cứu trên có thể nhận thấy, hoạt tính chống ung thư tiềm năng của các xanthone từ cây tai chua và trai lý. Điều này thể hiện ở hoạt tính gây độc tế bào trên nhiều dòng tế bào ung thư, đặc biệt là trên dòng kháng thuốc cis-platin.
Ngoài ra, một số xanthone còn thể hiện khả năng bảo vệ thần kinh và ức chế enzyme α-glucosidase. Các kết quả nghiên cứu đã chỉ ra, khả năng ứng dụng của 2 loài cây này trong việc nghiên cứu, phát triển các sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư, tiểu đường và bảo vệ thần kinh.
Nhóm nghiên cứu mong muốn tiếp tục nghiên cứu quy trình tạo chế phẩm giàu xanthone từ nhựa và vỏ cây tai chua nhằm hỗ trợ điều trị ung thư cũng như phát triển nghiên cứu cơ chế chống ung thư của một số hoạt chất. Đối với cây trai lý, các nhà khoa học cho rằng, cần tiến hành phân lập các chất có hàm lượng thấp và nghiên cứu hoạt tính sinh học của chúng trong tương lai.
Đây là nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam về các hoạt chất này trong cây tai chua và trai lý, mở đường để đưa vào ứng dụng rộng rãi chúng trong tương lai.