Theo anh A Xây những năm dịch Covid-19 bùng phát gây khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Điều này đã ảnh hưởng đến công tác vận động nguồn lực đầu tư và hỗ trợ cho hoạt động xã hội, phong trào tình nguyện vì thế cũng gặp nhiều khó khăn về tài chính. Ngoài ra, lực lượng các cấp bộ Đoàn mỏng, chủ yếu làm công tác chuyên môn nên khi tổ chức hoạt động tình nguyện phải kêu gọi sự hỗ trợ của đoàn viên thanh niên tại chỗ.
Nguyễn Hoàng Sơn (sinh viên Khoa Cơ khí, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng) cho biết: “Để có kinh phí cho công trình láng xi măng sân chơi của điểm trường Cheng Tong tại Nam Trà My, Quảng Nam, Liên chi đoàn Khoa Cơ khí đã đứng ra kêu gọi các bạn đoàn viên chung tay góp quỹ. Khoảng 100 sinh viên đã bán kẹo hàng đêm để có quỹ cho hoạt động thiện nguyện này. Ngoài ra, chúng tôi còn nhận được sự ủng hộ về mặt tài chính của các thầy, cô giáo trong khoa. Một số đoàn viên đảm nhận luôn phần thi công tại điểm trường Cheng Tong.
Để thực hiện các chương trình tình nguyện, theo Nguyễn Hoàng Sơn, Liên chi đoàn đều khảo sát thực tế để xây dựng kế hoạch phù hợp. Như chương trình “Nắng về trên bản” tại nóc Tu Nương, xã Trà Tập, ngoài tặng nhu yếu phẩm cho bà con, áo ấm cho học sinh, đoàn còn tổ chức trò chơi cùng các em nhỏ, tặng đèn năng lượng mặt trời và làm hàng rào cho điểm trường Tu Nương với tổng giá trị 48 triệu đồng.
“Em thấy tham gia hoạt động tình nguyện, sinh viên được trải nghiệm về vốn sống, văn hóa vùng miền, được đến những vùng đất mà trong điều kiện bình thường, có khi mình ít khi nghĩ đến. Nhưng quan trọng hơn cả, sinh viên có cơ hội để rèn luyện các kỹ năng sống như làm việc nhóm, kỹ năng tổ chức, xây dựng kế hoạch…”, Sơn cho biết.
Theo PGS.TS Lê Văn Huy, về lâu dài, nên huy động nguồn lực tình nguyện bằng các hoạt động gắn với lĩnh vực chuyên môn, vừa để khởi nghiệp vừa để gây quỹ để triển khai các hoạt động tình nguyện. Dù sinh viên tham gia các chương trình tình nguyện đều phải có những hoạt động gây quỹ như bán hàng, làm đồ handmade… nhưng vẫn có sự hỗ trợ tài chính từ Đoàn trường và nhà trường. Với sinh viên Trường Kinh tế thì việc xây dựng dự án tài chính, bán hàng… cũng là một trải nghiệm để vận dụng các kiến thức đã học vào thực tế…
Nguyễn Khánh Uyên, sinh viên năm thứ nhất, Khoa Kinh doanh Quốc tế, Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng, cho biết: “Từ chiến dịch gây quỹ cho chương trình thiện nguyện, chúng em đã biết sử dụng mạng xã hội để lan tỏa các hoạt động như bán hàng, tổ chức đêm nhạc, xác định tệp khách hàng hướng tới… Nhiều ý nghe qua có tính khả thi cao nhưng khi triển khai trong thực tế mới thấy không như hình dung. Đây cũng là kinh nghiệm bổ ích cho những dự án hoạt động tình nguyện sau này của chi đoàn…”.
Chị Hoàng Hải chia sẻ kinh nghiệm của đơn vị để các chương trình tình nguyện đi vào chiều sâu: “Hoạt động tình nguyện bên cạnh mục đích vì cộng đồng còn giúp các bạn ứng dụng kiến thức đã học vào thực tế. Trong những chuyến đi dài ngày, sinh viên ngành Sư phạm phối hợp với địa phương tổ chức dạy, luyện chữ cho học sinh dân tộc thiểu số. Những bạn học về kỹ năng mềm, giao tiếp có thể hướng dẫn cho các em nhỏ hoặc phổ biến cho người dân vùng sâu, vùng xa về chuyển đổi số…
PGS.TS Lê Văn Huy, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng: “Lý tưởng nhất là các hoạt động tình nguyện phải được thực hiện đến cùng, tạo ra kết quả thực. Khi hoạt động còn dang dở, chưa có kết quả mà không thể thực hiện được tiếp thì phải kết hợp với thanh niên tại địa phương để tiếp tục hỗ trợ để hoạt động tạo được giá trị cho cộng đồng. Do vậy, cần ưu tiên những hoạt động tình nguyện gắn với chuyên ngành của trường để đạt được kết quả tốt nhất”.