Tuy nhiên, việc chuyển đổi học bạ thành học bạ điện tử chưa đồng bộ về thời gian; cách thực hiện giữa các nhà trường, địa phương. Ngay cả trong một tỉnh cũng có trường chưa thực hiện vì chưa có chữ ký số. Do đó, cần cấp cho học sinh song song hai loại học bạ giấy và điện tử, tùy theo nhu cầu học sinh cần.
“Nhiều trường cho rằng, đã thực hiện học bạ điện tử sao phải in ra, thêm một bước đóng dấu đỏ xác nhận (học bạ in ra đã có chữ ký số của giáo viên và hiệu trưởng). Để khắc phục hạn chế này, Bộ GD&ĐT cần có quy định mang tính pháp lý thống nhất cả nước để các nhà trường, trường ĐH-CĐ, cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp chấp nhận học bạ điện tử thay cho học bạ giấy nếu người học nộp hồ sơ đi học, làm.
Năm học 2023 - 2024, Bến Tre tiếp tục tăng số trường có học bạ điện tử; tiến tới cấp học bạ điện tử cho học sinh khi ra trường, vẫn cấp song song hai loại học bạ cho đến khi có quy định thống nhất của Bộ GD&ĐT”, ông Võ Thanh Vương Đạo nêu ý kiến.
Tại huyện Kỳ Sơn, Nghệ An, các trường học thực hiện học bạ điện tử, sổ điểm điện tử đồng loạt từ năm học 2021 - 2022. Năm học 2023 - 2024, ngành Giáo dục chỉ đạo 100% trường phổ thông trong huyện sử dụng học bạ điện tử.
Dù có nhiều kết quả, song theo Trưởng phòng GD&ĐT Kỳ Sơn Phạm Viết Phúc, là địa bàn vùng khó, triển khai học bạ điện tử còn rào cản nhất định do điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị một số nhà trường hạn chế, kết nối mạng Internet kém. Khi học sinh chuyển trường vẫn phải in ra bản giấy và ký trực tiếp thay vì công nhận học bạ điện tử. Chưa kể, cuối năm, khi cần xác nhận từng điểm số phải in ra giấy và giáo viên ký xác nhận thì mới được chấp thuận.
Trong các văn bản của Bộ GD&ĐT mới khuyến khích sử dụng và quy định về kỹ thuật học bạ điện tử. Học bạ điện tử (bao gồm cả học bạ in từ bản mềm có ký tươi và học bạ có gắn chữ ký số) không được cơ quan, tổ chức, xã hội công nhận trong thực hiện thủ tục hành chính.
“Hiện, sử dụng học bạ điện tử chưa có tính thống nhất chung trong toàn quốc nên học sinh khi chuyển trường từ huyện này sang huyện khác, tỉnh này sang tỉnh khác gặp nhiều khó khăn. Một số giáo viên còn hạn chế công nghệ thông tin nên quá trình thực hiện lúng túng, mất thời gian. Còn nhiều chức năng không phù hợp địa phương vùng khó khăn như đăng ký nhắn tin, sổ liên lạc điện tử,…”, ông Phạm Viết Phúc chia sẻ.
Cùng có khó khăn bởi cuối kỳ, năm vẫn phải in hồ sơ giấy; giáo viên ký xác nhận bằng tay vào sổ điểm, học bạ, cô Phạm Thanh Thúy – Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Chuyên Mỹ (An Lão, TP Hải Phòng) cho biết: Thời gian tới, trường tiếp tục thực hiện hiệu quả sổ điểm, học bạ điện tử. Nhà trường sẽ tập trung nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, tích cực bồi dưỡng kỹ năng sử dụng cho giáo viên, cán bộ quản lý…
“Để sổ điểm, học bạ điện tử thực sự có thể trao đổi, giao dịch trên môi trường số, thay thế dần giấy tờ truyền thống, cần có công cụ xác thực, bảo đảm tính đúng đắn chính xác, toàn vẹn của dữ liệu”, cô Phạm Thanh Thúy đề nghị.