Học lịch sử qua những chuyến đi ngắn

17/09/2023, 07:35
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Người trẻ ở TPHCM đang chủ động tích lũy kiến thức về lịch sử, văn hóa qua những chuyến đi ngắn, như là một hình thức đi để học.

Người trẻ ở TPHCM đang chủ động tích lũy kiến thức về lịch sử, văn hóa qua những chuyến đi ngắn, như là một hình thức đi để học. Những chuyến đi không chỉ giúp việc học trở nên sinh động, dễ hiểu, dễ nhớ, mà còn giúp bồi đắp thêm tình cảm với mảnh đất mình đang sống.

Dấu vết lịch sử

TPHCM là trung tâm kinh tế sôi động nhất Việt Nam nhưng ẩn sâu trong sự nhộn nhịp đó, từng góc phố, từng con đường đều chất chứa những ký ức lịch sử văn hóa hấp dẫn.

Dạo bước già lam – chuyến đi ngắn kéo dài 5 giờ đồng hồ hồi cuối tháng 6 đưa Bùi Thảo Trinh (27 tuổi, quận Phú Nhuận, TPHCM) ghé thăm không gian chốn thiền môn là các ngôi già lam ở khu vực Gia Định xưa, Gò Vấp nay như tịnh xá Trung tâm, Từ Quang tự, Tịnh xá Ngọc Phương, Châu An tự, Quảng hương già lam.

Chuyến đi không chỉ giúp Trinh hiểu hơn về Phật giáo, mà còn thông tỏ những thuật ngữ như già lam là tên gọi rút ngắn của cụm từ Tăng Già Lam Ma, được phiên âm từ tiếng Phạn là Sangharâma, chỉ nơi trú ngụ dành cho người xuất gia (tu viện, rừng thiền).

Hơn một năm trước, Thảo Trinh cũng tham gia chuyến đi để học có tên Passage to Cho Lon – chuyến điền dã kéo dài 8 giờ khám phá không gian khu vực Chợ Lớn (cũ) với những hoạt động văn hóa tín ngưỡng đặc sắc của cộng đồng người Hoa ở các hội quán như Nghĩa An hội quán, Tuệ Thành hội quán, Nhị Phủ hội quán, hẻm Chợ Lớn xưa, nhà thờ Cha Tam, thưởng thức chè Hoa Lâm Thạnh, món ăn Tiều Châu...

“Với em, Chợ Lớn rất thú vị vì có nhiều không khí khác hẳn khu vực mà em đang sống ở Phú Nhuận, biết rằng những điều rất quen thuộc của mình cũng là sự pha trộn văn hóa với người Hoa. Mọi thứ thật sự là rất đa dạng và sâu sắc.

Những chuyến đi giúp em hiểu biết hơn về lịch sử và qua đó nhận ra dù ở TPHCM gần 10 năm, em cũng chưa biết gì nhiều về mảnh đất này cả. Không chỉ là hiểu biết, chuyến đi ngắn này còn hình thành những kỹ năng quan sát, ghi nhận khi đi du lịch đến các đô thị khác”, Thảo Trinh chia sẻ.

Echoing Drum (Vang vọng trống chầu) là công ty tại TPHCM thực hiện nhiều chuyến đi ngắn để học lịch sử, văn hóa. Echoing Drum thiết kế nhiều chuyến đi ngắn giống như các chuyến điền dã để giúp người tham gia trải nghiệm lịch sử bằng cách đi bộ, lắng nghe thuyết trình, giảng giải, thưởng thức ẩm thực, nghe và nhìn hoặc sờ chạm vào những gì mang dấu ấn lịch sử, văn hóa.

Từ khi ra đời vào năm 2012 đến nay, Echoing Drum thu hút khoảng 3.000 lượt người tham gia vào các chuyến đi ngắn để học lịch sử. Ngoài hai chuyến đi về Chợ Lớn, tìm hiểu già lam, nơi này còn thiết kế các chuyến đi khác như Play With Old Maps kéo dài 5 giờ qua các khu vực trung tâm Sài Gòn theo những địa điểm trên tấm bản đồ cổ; hành trình Theo dấu tiền nhân khám phá Bảo tàng Lịch sử TP; hành trình khám phá Minh Hương cự tộc tìm hiểu đại gia tộc Minh Hương ở khu vực Quận 5; hành trình Sài Gòn by night đi bộ kết hợp với xe bus 2 tầng tìm hiểu câu chuyện đường phố của TPHCM...

Ngoài Echoing Drum, một số tổ chức khác cũng thực hiện các chuyến đi ngắn tìm hiểu về lịch sử, văn hóa như tour học đường tìm hiểu về Bảo tàng chứng tích chiến tranh, dinh Thống Nhất, di tích lịch sử Ngã ba Giồng, Địa đạo Củ Chi của MTV travel. Tour học đường Du ngoạn sử xanh của Công ty Thuyền Nhiêu Lộc dành cho học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông. Trên hành trình kéo dài 1,5 tiếng đồng hồ, các em được chiêm ngưỡng 9 cây cầu gắn liền với các sự kiện hay nhân vật lịch sử, gồm cầu Thị Nghè, cầu Điện Biên Phủ, cầu Bùi Hữu Nghĩa, cầu Bông, cầu Hoàng Hoa Thám, cầu Trần Khánh Dư, cầu Kiệu, cầu Công Lý và cầu Lê Văn Sỹ.

Người trẻ tìm hiểu lịch sử dấu tích các đại gia tộc Minh Hương trong khu vực Quận 5, TPHCM trong chuyến đi ngắn kéo dài 3 giờ. Ảnh: NVCC ảnh 1
Người trẻ tìm hiểu lịch sử dấu tích các đại gia tộc Minh Hương trong khu vực Quận 5, TPHCM trong chuyến đi ngắn kéo dài 3 giờ. Ảnh: NVCC

Hiểu và yêu hơn vùng đất đang sống

Chị Lê Thị Kiều Hương (39 tuổi, quận Phú Nhuận, TPHCM) tự nhận mình chỉ là người thích lịch sử nhưng chỉ có thể hiểu sâu hơn mảnh đất Sài Gòn sau những chuyến điền dã ngắn như trên.

Có lần trong chuyến điền dã qua đường Cao Thắng (Quận 3), nghe hướng dẫn viên kể về dấu tích của những tôn giáo xứ Nam kỳ, về món phở Chua rất đặc biệt, chị vô cùng bất ngờ.

“Tôi sống ở TPHCM 20 năm, đã từng nhiều lần đi qua góc phố đó, con đường đó nhưng không hề nghĩ nơi đó lại chất chứa trong mình nhiều dấu ấn lịch sử kỳ thú như vậy. Những chuyến đi đó mở ra cho tôi góc nhìn mới về vùng đất Sài Gòn này”, chị Kiều Hương nói.

Trong những chuyến điền dã ngắn học lịch sử này, gần như cả nhà chị đều tham gia, gồm vợ chồng chị và hai con học lớp 2 và lớp 5. “Nếu không có những chuyến đi để học lịch sử, học văn hóa này, TPHCM với nhịp sống hiện đại, đổi nhanh hàng ngày khó lòng lưu giữ lại những giá trị văn hóa.

Những chuyến đi cũng cho thấy, học lịch sử sẽ trở nên dễ dàng hơn, không hề khô khan mà trái lại sinh động, hào hứng như chính cuộc sống đang diễn ra”, chị Kiều Hương cho biết.

Anh Phan Khắc Huy, 36 tuổi, người sáng lập Echoing Drum, cho biết, những khóa điền dã đi để học ra đời xuất phát từ mong muốn: “Gióng lên những hồi trống thôi thúc người trẻ đương đại tìm tòi về quá khứ, tìm lại những vẻ đẹp, những giá trị văn hóa đã được cha ông thành tựu như những của báu để lại cho mai sau.

Tiếng trống vang vọng trong thời hiện đại để lan truyền sự thức tỉnh, nhìn nhận lại căn tính văn hóa của người trẻ kim thời, đồng thời khơi gợi nên sự kế thừa và đổi mới những vốn quý của quá khứ bằng giáo dục và nghệ thuật. Và từ đó, tiếng trống lại theo chân người trẻ vang vọng khắp các chân trời, góc bể”.

TS Nguyễn Hữu Long - giảng viên ngành Tâm ký học, Trường ĐH Mở TPHCM, Ủy viên BCH Hội Tâm lý học Việt Nam - nhận định: “Phương pháp học tập trải nghiệm đang là xu hướng phổ biến trên thế giới và tại Việt Nam.

Cách học qua những chuyến đi ngắn là một cách học tốt, có thể giúp người học lĩnh hội kiến thức một cách thú vị và ghi nhớ lâu hơn. Với những lĩnh vực khoa học đặc thù như lịch sử, văn hóa dân tộc, kỹ năng hay các môn học cần thực hành, thực tập, thí nghiệm thì rất cần học qua trải nghiệm.

Khi học qua trải nghiệm, một mặt giúp học sinh tiếp cận một cách trực tiếp, sinh động về kiến thức học tập và mặt khác kích thích tư duy phản biện, suy luận và khả năng khái quát hóa cao.

Như vậy học qua trải nghiệm vừa được xem như là hình thức, vừa được xem như là phương pháp trong dạy học. Học qua trải nghiệm phát huy tối đa năng lực, phẩm chất người học và đặt ra yêu cầu cao đối với tổ chức, giáo viên... từ đó nâng cao hiệu quả của quá trình giáo dục toàn diện cho học sinh”.

Học lịch sử tại quán cà phê cô Ba Saigon (đường Đồng Khởi, Quận 1) trong hành trình Play With Old Maps. ảnh 2
Học lịch sử tại quán cà phê cô Ba Saigon (đường Đồng Khởi, Quận 1) trong hành trình Play With Old Maps.

Theo lý thuyết học tập trải nghiệm của nhà tâm lý học David Kolb, người học sẽ kiến tạo tri thức mới thông qua việc chuyển hóa những trải nghiệm. Kết quả của kiến thức là từ sự kết hợp của việc nắm bắt và chuyển đổi kinh nghiệm.

Quá trình học tập sẽ trải qua 4 giai đoạn: Trải nghiệm cụ thể; quan sát, đánh giá sự việc; khái quát các khái niệm; chủ động thử nghiệm. Những trải nghiệm cụ thể sẽ cung cấp các thông tin làm cơ sở cho sự đánh giá, từ đó người học đồng hóa thông tin thu thập thông qua trải nghiệm và phát triển các nhận thức mới.

Khi học tập qua trải nghiệm, người học sẽ dễ dàng hiểu được bản chất của các thuật ngữ, khái niệm; khuyến khích người học tìm kiếm, đưa ra giải pháp mang tính sáng tạo và hiệu quả hơn.

Trên thế giới, phương pháp học tập thông qua trải nghiệm đang trở nên phổ biến. Một số trường tại Mỹ tổ chức lớp học tại một quốc gia mới trong mỗi học kỳ. Học sinh có thể tham gia học tập trải nghiệm thông qua các hoạt động như du lịch quốc tế, giao lưu văn hóa, tham quan các bảo tàng, học tập qua dự án.

Tại TPHCM, ngoài các tour do các công ty du lịch tổ chức, dự án “Chuyến xe trải nghiệm” của nhóm tác giả là TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (Trường ĐH Sư phạm TPHCM) và ThS Lê Thị Hồng Anh (Phòng Chính trị tư tưởng Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM) cũng được kỳ vọng giúp cho học sinh có những trải nghiệm thú vị gắn liền với kiến thức trong sách giáo khoa.

Dự án gồm 8 tour trải nghiệm để học sinh và nhà trường chọn lựa phù hợp với kế hoạch giáo dục gồm: Trải nghiệm chân trời sáng tạo, trải nghiệm tự nhiên xã hội TPHCM, trải nghiệm tự nhiên xã hội Nam Bộ, trải nghiệm kỹ năng sống (đầu cấp tiểu học), trải nghiệm kỹ năng sống (cuối cấp tiểu học), trải nghiệm khoa học và lịch sử bậc THCS, trải nghiệm khoa học và hướng nghiệp bậc THPT.

Theo TS khảo cổ Nguyễn Thị Hậu - Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử TPHCM, thành phố có 4 đặc điểm để phát triển du lịch lịch sử, đó là đô thị sông nước; trung tâm kinh tế; đa dạng văn hóa; được quy hoạch và xây dựng theo kiểu phương Tây.

Từ đó, có 9 loại hình di tích có thể biến thành tuyến điểm du lịch di sản văn hóa như du lịch di tích khảo cổ; di tích cảnh quan đô thị các tuyến đường trung tâm như Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi; du lịch công trình kiến trúc nghệ thuật; du lịch di tích tín ngưỡng - tôn giáo như nhà thờ, nhà cổ và cảnh quan biệt thự...

TPHCM hiện có 185 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt, 58 di tích được xếp hạng di tích cấp quốc gia và 125 di tích cấp thành phố. Sở Văn hóa Thể thao TP đang phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn chỉnh hồ sơ khoa học để xếp hạng di tích cho các công trình như trụ sở Cục Hải quan TPHCM, trụ sở UBND Quận 1, chợ Bến Thành, chợ Tân Định (Quận 1), chùa Chantarangsay (Quận 3) và phối hợp Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi trình Tổ chức UNESCO ghi vào danh sách dự kiến lập hồ sơ di sản thế giới.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Học lịch sử qua những chuyến đi ngắn