"Không có thu nhập, tháng qua gia đình được nhà nước hỗ trợ tiền hộ nghèo và tiền học của hai cháu, được 2 triệu đồng. Đứa lớn được trường hỗ trợ sách vở. Đứa bé lớp 6 phải dùng sách giáo khoa mới, mua hết 700.000 đồng. Cộng thêm khoản chi tiêu ăn uống hàng ngày, tiền hỗ trợ cũng gần hết", người mẹ nhẩm tính.
Năm ngoái dùng nhờ mạng hàng xóm, do chập chờn nên chị Nhã đăng ký gói mạng cho con học. Gói giá hơn 600.000 đồng cho nửa năm và được trả sau nên giờ chị chưa đến hạn phải lo. Thế nhưng việc thiếu thiết bị khiến chị ngày nào cũng nơm nớp. "Nếu vì học online mà giảm sút kết quả, tôi cảm thấy rất có lỗi với con", chị Nhã nói.
Thiếu máy tính, điện thoại học online cũng là tình trạng chung của nhiều học sinh gia đình khó khăn. Đức Hải, học sinh lớp 8 một trường THCS ở TP Thủ Đức, TP HCM, học online từ hai năm trước, ba đã nhường điện thoại cũ cho em rồi mua "cục gạch" để nghe gọi. Điện thoại cũ, wifi sử dụng chung với hàng xóm nên rất yếu. Nhiều lần được thầy cô gọi tên phát biểu, âm thanh rè, đứt đoạn, lâu dần khiến Hải tự ti, không dám giơ tay phát biểu hoặc thắc mắc.
Phương tiện thiếu thốn, không gian học tập của nam sinh cũng không thoải mái. Ba mẹ từ quê lên Sài Gòn lập nghiệp hơn 10 năm nay, tuổi thơ của Hải gắn bó với khu trọ dành cho công nhân đông người, chật chội. Các dãy nhà trọ cách nhau chỉ một lối đi vừa hai xe máy tránh nhau, thời điểm giãn cách xã hội nên nhà trọ càng thêm đông người, rất ồn ào.
"Trừ ban đêm với giờ nghỉ trưa, hầu như lúc nào khu trọ cũng ồn, mấy hôm trời nắng lại càng thêm ngột ngạt. Em phải dọn một góc trên gác trọ, đặt điện thoại, sách vở lên cái bàn xếp để ngồi khoanh chân mà học", Hải kể về những ngày học trực tuyến trước đó.
Vừa qua, nghe thông tin Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM sẽ sản xuất các chương trình bài giảng để phát trên truyền hình, Hải rất mừng. Với cậu học trò nghèo, đây như những giờ "học thêm" miễn phí để củng cố kiến thức.
Khó khăn về vật chất nhưng bù lại Hải được ba mẹ động viên việc học. Sách vở, đồ dùng học tập được mua sắm đầy đủ dù mẹ em cũng mất thu nhập nhiều tháng qua. "Hai năm rồi em đều được học sinh khá, có năm suýt được giỏi. Ba em hứa nếu năm nay học sinh giỏi sẽ mua cho chiếc máy tính", Hải nói.
Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM đã đề nghị tất cả trường học thống kê số học sinh không thể tham gia học trực tuyến bởi không có thiết bị, đường truyền hoặc thiếu một trong hai yếu tố. Chưa có thống kê toàn thành phố, nhưng ở nhiều trường trung học, con số này dao động 10-20. Trường vùng ven, số này lớn hơn.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Hiếu cho biết ngành đã kêu gọi người dân có điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính xách tay cũ, không có nhu cầu sử dụng chia sẻ với học sinh nghèo. Ở nhiều trường, thầy cô đang góp thiết bị cũ hoặc góp tiền mua điện thoại cho những em khó khăn.