Học sinh cần lưu ý điều gì với kiểm tra môn tích hợp

Hiếu Nguyễn | 15/12/2022, 16:50
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Môn Khoa học tự nhiên được xây dựng và phát triển trên nền tảng các khoa học vật lý, hóa học, sinh học và khoa học Trái đất.

Với bài kiểm tra định kỳ môn Khoa học tự nhiên, theo cô Đỗ Minh Phượng, cơ bản cấu trúc của đề tương tự như các môn học khác và được thực hiện theo hướng dẫn chung của phòng GD&ĐT. Theo đó, năm học 2022 - 2023, tỷ lệ các câu hỏi trong đề kiểm tra chia theo mức độ: 40% nhận biết, 30% thông hiểu, 20% vận dụng và 10% vận dụng cao.

Về tỷ lệ theo điểm số: Nội dung trắc nghiệm chiếm 70%, câu hỏi tự luận chiếm 30%. Mức độ vận dụng và vận dụng cao thường nằm ở những câu tự luận; mức thông hiểu, nhận biết nằm ở câu trắc nghiệm. Điểm mới trong việc ra đề kiểm tra của năm học này chính là việc phải có bản đặc tả. Bản đặc tả đề kiểm tra giúp nâng cao giá trị của hoạt động đánh giá, giúp xây dựng đề kiểm tra đánh giá đúng mục tiêu dạy học. Nó cũng giúp đảm bảo sự đồng nhất giữa các đề kiểm tra, tạo sự công bằng hơn trong đánh giá học sinh.

Để làm bài đạt điểm tốt, cô Nguyễn Thị Ái Vân lưu ý, học sinh cần ghi chép nội dung học đầy đủ, rèn luyện bài tập thường xuyên. Câu hỏi và bài tập trong đề kiểm tra được sắp xếp theo mạch kiến thức trong sách giáo khoa, nên khi đọc câu hỏi học sinh cần định hướng của nhóm môn nào để tránh trả lời không đúng hướng.

Cô Nguyễn Thị Ái Vân - Tổ trưởng chuyên môn Khoa học tự nhiên, Trường THCS Quản Cơ Thành (Châu Thành, An Giang) - cũng cho biết bài kiểm tra môn Khoa học tự nhiên có những điểm khác. Theo đó, tùy thời điểm kiểm tra định kỳ, phạm vi kiến thức kiểm tra có thể của 1 nhóm môn, hay 2 hoặc cả 3 nhóm môn. Giáo viên xây dựng ma trận đề theo tỷ lệ phần trăm số tiết của từng nhóm môn tính đến thời điểm kiểm tra. Việc này thống nhất trong tất cả giáo viên cùng giảng dạy môn học để phối hợp xây dựng ma trận, đặc tả, đề kiểm tra, đáp án… Tạo thuận lợi cho học sinh trong học tập, kiểm tra, câu hỏi sẽ được sắp xếp theo trình tự mạch kiến thức của chương trình.

Việc chấm - trả - sửa bài kiểm tra cho học sinh do khối trưởng phân công. Nếu thời điểm kiểm tra, nội dung kiểm tra có từ 2 nhóm môn trở lên, giáo viên các nhóm môn đều tham gia chấm bài. Nhóm môn có số tiết dạy nhiều phụ trách việc cộng tổng điểm và nhận xét hay chấm hết phần trắc nghiệm… Việc này cũng tùy thời điểm kiểm tra. Ví dụ, kiểm tra giữa kỳ I môn Khoa học tự nhiên 6 có nội dung 2 nhóm môn là Vật lý (10 tiết) và Hóa học (28 tiết).

Giáo viên dạy Vật lý sẽ chấm 100% câu tự luận của phân môn Vật lý và phần trắc nghiệm của 50% số lớp mình dạy. Giáo viên dạy phần Hóa học sẽ chấm 100% câu tự luận của phân môn Hóa và phần trắc nghiệm của 50% số lớp mình dạy. Sau đó, giáo viên cộng tổng điểm bài kiểm tra, nhận xét, phát, sửa bài kiểm tra cho học sinh.

Chia sẻ về đề kiểm tra môn Khoa học tự nhiên, cô Trần Quỳnh Hương nhấn mạnh, việc không chỉ dừng lại ở kiến thức và dạng bài cơ bản mà đòi hỏi học sinh hiểu sâu kiến thức, năng lực khoa học tự nhiên, có cái nhìn đa chiều về một vấn đề, vận dụng kiến thức đã học, kết hợp liên môn để giải quyết vấn đề. Học sinh không nên ghi nhớ kiến thức máy móc mà cần hiểu bản chất, ứng dụng kiến thức đã học và sử dụng năng lực khoa học tự nhiên vào đời sống.

“Để có điểm tốt, các em cần ôn tập kỹ để nắm vững lý thuyết. Trong quá trình ôn tập, liên hệ lý thuyết với đời sống thực tế. Tìm tòi, mở rộng kiến thức thông qua đọc thêm sách tham khảo và tài liệu trên Internet” - cô Trần Quỳnh Hương cho hay.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/hoc-sinh-can-luu-y-dieu-gi-voi-kiem-tra-mon-tich-hop-post619015.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/hoc-sinh-can-luu-y-dieu-gi-voi-kiem-tra-mon-tich-hop-post619015.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Học sinh cần lưu ý điều gì với kiểm tra môn tích hợp