“Trong quá trình thực hiện, mỗi bạn sẽ đảm nhận một công việc và có sự thống nhất, hỗ trợ lẫn nhau để làm ra sản phẩm. Nhóm em bốc thăm hoàn thành mô hình nói về sự trữ tình của dòng sông Đà. Bọn em đã cố gắng tạo hình thác nước làm sao nhìn vào để giống như một “áng tóc trữ tình”, có “mùa xuân màu xanh ngọc bích, thu lừ lừ chín đỏ”… Trong khi làm việc nhóm nhiều bạn đã bộc lộ rất nhiều tài lẻ như vẽ, thiết kế… Em rất thích việc đưa STEM vào trong môn học như vậy”, em Nguyễn Thị Minh Hoài chia sẻ.
Học sinh thuyết trình, trình bày tác phẩm qua mô hình sản phẩm. |
Theo cô Nguyễn Thị Quỳnh Giang (Hà Tĩnh), vận dụng STEM trong dạy học môn Ngữ văn vừa tạo hứng thú vừa khơi gợi sự tìm tòi, sáng tạo của học sinh. Ngoài ra, phương pháp này còn trang bị cho học sinh những kỹ năng mềm cần thiết cho sự thành công trong công việc sau này như kỹ năng cộng tác, làm việc nhóm, giải quyết vấn đề, tư duy sáng tạo, tư duy phản biện.
Tuy nhiên, hiện nay giáo dục STEM mới chỉ thiên về các môn học tự nhiên, song khai thác, “đánh thức” STEM trong các môn học xã hội rất thú vị và nhiều sự sáng tạo bất ngờ.
Cô Quỳnh Giang chia sẻ, STEM môn Ngữ văn có sự kết hợp giữa các kỹ năng đọc viết và chương trình giáo dục về khoa học STEM. Đây là bộ môn quan trọng và cần thiết trong thế kỷ 21 hiện nay. Để các em không còn nhàm chán, sản phẩm STEM môn văn sẽ mang đến nhiều ý nghĩa thiết thực và gần gũi.
“Với môn Ngữ văn - là môn học giúp học sinh khám phá bản thân và thế giới xung quanh, thấu hiểu con người, có đời sống tâm hồn phong phú,… hướng tới chân - thiện - mỹ. Đánh thức STEM trong môn Ngữ văn đã góp phần thực hiện chức năng ấy”, cô giáo Ngữ văn nói.
Việc áp dụng STEM vào dạy học tạo hứng khởi và phát huy các năng lực của học sinh. |
Quả thật, STEM đã trở thành một mô hình giáo dục tiên tiến, có thể làm thay đổi nền giáo dục và có ý nghĩa cả về mặt khoa học lẫn xã hội nếu được áp dụng rộng rãi.
"Trong môn Ngữ văn nếu phát huy và vận dụng linh hoạt, STEM còn khuyến khích học sinh khám phá thế giới xung quanh, các em có cơ hội nghiên cứu, thử nghiệm và giải quyết các vấn đề thực tế, từ việc tạo ra các mô hình sản phẩm.
Ngoài ra, STEM còn tạo sự kết nối kiến thức và thực tiễn: ví như trong dạy học bài Người lái đò Sông Đà, học sinh không chỉ tập trung vào việc ghi nhớ kiến thức mà các em đã biết áp dụng kiến thức vào các tình huống thực tế", cô Giang thông tin.
"Trong dạy học các môn học theo Chương trình GDPT 2018, các môn KHTN là các môn khoa học thực nghiệm, có nhiều vấn đề gắn với thực tiễn đời sống nên có nhiều ưu thế cho việc vận dụng giáo dục STEM trong dạy học.
Tuy nhiên, các môn Khoa học xã hội như Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân… cũng có nhiều nội dung có thể vận dụng giáo dục STEM trong dạy học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học.
Khi vận dụng quy trình dạy học STEM trong các môn học, không chỉ giúp học sinh nắm vững kiến thức bài học, mà còn giúp học sinh gắn kiến thức với thực tiễn, gần gũi hơn với thế giới thiên nhiên, đời sống.
Qua thực tiễn, nhiều thầy cô giáo dạy các môn KHXH là học viên các lớp STEM mà chúng tôi đã hướng dẫn đã vận dụng giáo dục STEM vào tổ chức các bài dạy, tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học cho học sinh rất hiệu quả" - chuyên gia giáo dục STEM, TS. Trần Thái Toàn - Chuyên viên phòng Giáo dục Phổ thông, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho biết.