Học sinh khiếm thính nghe nhạc, nhảy theo nhịp điệu

Ngọc Trang | 19/04/2022, 10:52
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Học sinh khiếm thính ở Trường PTCS Xã Đàn (Hà Nội) đã có một ngày trải nghiệm thú vị sau thời gian dài phải ngưng đến trường vì dịch Covid-19.

Không chỉ có các hoạt động thể thao, học sinh Trường PTCS Xã Đàn còn thi vẽ tranh, biểu diễn văn nghệ. Nhiều người bất ngờ với những màn trình diễn của học sinh, nhất là các tiết mục nhảy múa.

277858905_1692256587787170_4869090681957024058_n.jpg

Trường PTCS Xã Đàn từ lâu đã triển khai thử nghiệm dự án âm nhạc với trẻ khiếm thính. Nghe nhạc, nhảy múa theo nhịp điệu là những việc tưởng không tác dụng với trẻ khiếm thính nhưng lại là một trong những giải pháp tích cực để đưa những trẻ khuyết tật này đến gần hơn với cuộc sống bình thường.

Trường PTCS Xã Đàn có trên 60% số học sinh là người khiếm thính. Đối với trẻ khuyết tật thì thời gian cách ly do dịch Covid-19 còn khó khăn hơn trẻ bình thường.

278017705_328889105819649_2114598210120346687_n.jpg

Thời điểm học sinh được trở lại trường gần với dịp kỷ niệm Ngày người khuyết tật Việt Nam nên các thầy cô giáo đã cố gắng để trẻ có một ngày trải nghiệm ý nghĩa.

Đây là một hoạt động ngoại khóa đầu tiên có sự tham gia của học sinh toàn trường, sau một thời gian dài chủ yếu học online do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Trong ngày hội, nhà trường đã tổ chức vòng thi chung kết các cuộc thi kéo co và nhảy bao bố, với sự tham gia của học sinh khuyết tật đang học hòa nhập tại trường và học sinh không khuyết tật.

Học sinh toàn trường cũng đã được giao lưu với 3 vận động viên đội tuyển wushu Việt Nam. Đó là Phạm Nguyễn Hoài Nam, Nguyễn Lệ Chi (đều là vô địch giải trẻ wushu thế giới 2018 tại Brazin), Nguyễn Thị Minh Tâm (vô địch giải wushu quốc gia 2022).

Theo ông Phạm Văn Hoan, Hiệu trưởng Trường PTCS Xã Đàn, nhà trường là một mô hình giáo dục hòa nhập, học sinh khiếm thính học chung với học sinh bình thường.

278468477_1622684731433975_3894303797660674251_n.jpg

Những em khiếm thính nặng thì học văn hóa ở các lớp riêng biệt, nhưng các hoạt động vui chơi, giải trí, hoạt động ngoại khóa… thì học sinh khiếm thính với học sinh không khiếm thính cùng tham gia chung.

“Chúng tôi đã thực sự tạo được môi trường mà các học sinh khiếm thính luôn được tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, được thể hiện mình và hòa nhập tốt. Điều chúng tôi muốn hướng đến là không để trẻ khuyết tật cảm thấy cô độc, thiệt thòi. Qua các hoạt động có ý nghĩa, chúng tôi muốn trẻ được rèn kỹ năng, hòa nhập và hơn thế là được khích lệ, có thêm nghị lực sống", thầy Phạm Văn Hoan, hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Bài liên quan
Giáo dục Lào khắc phục khủng hoảng bằng thư viện di động
Ngành Giáo dục Lào từ lâu đã phải giải quyết bài toán nâng cao trình độ của giáo viên để nâng cao chất lượng giáo dục.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Học sinh khiếm thính nghe nhạc, nhảy theo nhịp điệu