Dù học lực giỏi, một học sinh vẫn rất căng thẳng, áp lực khi mang trên vai danh xưng "cháu đích tôn" và ở cùng những người thân đều ưu tú.
Áp lực "con nhà nòi"
Một lá thư của học sinh cũ được gửi đến cô Nguyễn Quỳnh Thanh Mai, Phó phòng tham vấn học đường của một hệ thống giáo dục đã hé lộ áp lực tâm lý của một học sinh giỏi.
Trong thư, học sinh cũ cảm ơn cô vì đã giúp em vượt qua nhiều khó khăn. Em cho biết quãng thời gian lớp 10, lớp 11, em chịu nhiều áp lực vì phải gánh vác kỳ vọng của dòng tộc khi là "cháu đích tôn".
Bên cạnh đó, em sinh ra trong một gia đình mà từ ông bà, cha mẹ, anh chị em họ... đều có thành tích nổi bật nên thấy rất lo lắng.
Trong khi đó, theo cô Thanh Mai đây là một học sinh giỏi ở nhiều môn học, bạn còn là Chủ tịch hội học sinh của trường.
"Đôi khi, trong hành trình trưởng thành, sẽ có lúc các bạn cảm thấy cực kỳ băn khoăn, khó chia sẻ, ngay cả khi với người thân của mình. Do đó, nếu trong những lúc đó, các thầy cô, chuyên viên tham vấn học đường có sự đồng hành đúng lúc, thì các bạn sẽ vững vàng hơn", cô Thanh Mai nhấn mạnh.
Phòng tham vấn học đường có thể cho các con cảm nhận được sự an toàn, tin cậy, chia sẻ được những điều khó nói. Mặc dù vậy, cô Thanh Mai khẳng định phòng tham vấn học đường không thể thay thế cha mẹ, gia đình học sinh.
"Do đó, phòng tham vấn học đường là cầu nối giữa cha mẹ và con cái, để hai bên hiểu nhau hơn, giải quyết được nhiều vấn đề tâm lý, hỗ trợ học tập cho các con", cô chia sẻ.
Hãy cho phép con được sai
Tại buổi trao đổi, nhiều phụ huynh đặt vấn đề khó khăn trong tư vấn hướng nghiệp cho con hay trở ngại trong tìm hiểu tâm tư, tình cảm của trẻ.
Là người có gần 20 năm làm việc trong lĩnh vực tham vấn học đường, ThS Phoenix Ho, Trưởng phòng tham vấn học đường, đưa ra những con số đáng báo động về sức khỏe tâm thần của học sinh, sinh viên.
Dẫn nghiên cứu của UNICEF Việt Nam (2022), bà cho biết có khoảng 15-30% thanh thiếu niên Việt Nam gặp phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Theo Hiệp hội Tâm thần Mỹ, 50% các vấn đề này bắt đầu từ độ tuổi 14.
Bà Phoenix Ho nhấn mạnh giai đoạn dưới 14 tuổi và từ 15-24 tuổi là giai đoạn vàng để thanh thiếu niên có thể khám phá sở thích phát triển kỹ năng của trẻ, giúp thanh thiếu niên phát huy được tiềm năng của mình, nền tảng phát triển nghề nghiệp.
Nữ thạc sĩ chia sẻ một khảo sát trên 3.320 học sinh THPT do Hướng nghiệp Sông An thực hiện tại Việt Nam (năm 2024) cho thấy những yếu tố hàng đầu đang tác động đến quyết định chọn lựa ngành học của học sinh là sở thích bản thân (87,82%), cơ hội việc làm (80,56%), năng lực năng khiếu (72,12%), tính cách bản thân (71,13%);... Đáng chú ý, mong muốn của gia đình chỉ xếp ở vị trí thứ 7 với hơn 33%.
Lý do bởi học sinh hiện nay quan tâm tìm hiểu nhiều đến bản thân và bị cơ hội việc làm tác động.
Tuy nhiên, theo bà Phoenix Ho, trong thực tế quyết định chọn ngành chọn nghề của con vẫn chịu ảnh hưởng phần nhiều bởi cha mẹ.
Bà Phoenix Ho nêu thực tế nhiều phụ huynh vẫn mong muốn định hướng, tìm cho con ngành nghề nào để sau này công việc ổn định, ít áp lực, không lo lắng bị thay đổi. Tuy nhiên, thạc sĩ Phoenix Ho cho rằng trong bối cảnh thế giới liên tục thay đổi, mong ước này khó trở thành hiện thực.
Bà khuyến khích cha mẹ tạo không gian để con được phép thử và sai trong độ tuổi 15-24, kể cả việc thay đổi ngành học hay công việc.
"Tức là đừng có biết sai mà vẫn bước chân vào nhưng nếu con không chắc chắn đúng 100% thì cha mẹ hãy để con thử", ThS Phoenix Ho bày tỏ.
Bà Lê Thanh Thủy Trúc, đang học cao học ngành tham vấn và trị liệu tâm lý, Đại học Adelaide (Úc), cho rằng mọi cảm xúc của trẻ cần được ghi nhận, tôn trọng. Cha mẹ nên dành nhiều thời gian để lắng nghe, trò chuyện, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của con.
Theo bà Thủy Trúc, ở giai đoạn 18-20 tuổi, các bạn trẻ có thể thích mỗi thứ một chút, không rõ được đam mê cụ thể của mình thì cũng không có vấn đề gì nghiêm trọng. Vì thế, cha mẹ cần kiên nhẫn cùng con, cởi mở hơn với con, để đồng hành cùng hành trình phát triển của con.
Theo các chuyên gia, sự ủng hộ đầy hiểu biết của cha mẹ trong hai giai đoạn vàng này sẽ là nền tảng giúp con đạt được thành tựu trong sự nghiệp về sau và có hướng đi đúng đắn.
Cha mẹ học sinh nếu có vấn đề khó giải quyết, có thể tìm đến các phòng tham vấn tâm lý, nghề nghiệp của các trường để được tư vấn hỗ trợ.