Sáng 7/7, tại Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng làm việc với lãnh đạo Trường THPT Trí Đức (Hà Nội).
Báo cáo điểm mới, sáng tạo trong quá trình triển khai Chương trình GDPT 2018 tại Trường THPT Trí Đức, bà Chu Thị Hiên, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ về mô hình lớp học thảo luận do nhà trường sáng tạo, triển khai thực hiện hơn một năm qua.
Đây là một phần quan trọng trong Dự án phát triển giáo dục toàn diện Trí Đức 4.0 do ông Hà Trung Hưng - Chủ tịch Hội đồng trường là tác giả, với sự tham gia của nhiều cán bộ, giáo viên nhà trường.
Lớp học thảo luận là lớp học ở đó, khi đến tiết học, học sinh tự chủ lần lượt thảo luận, lập luận, phản biện, chia sẻ với nhau để làm rõ, hiểu đúng bản chất vấn đề và cùng chốt từng đơn vị kiến thức. Nghĩa là các em tự kiến tạo kiến thức, dưới sự tổ chức, chăm sóc và xác nhận của giáo viên.
Trong Lớp học thảo luận, học sinh có vai trò là chủ thể, là trung tâm đích thực; hoạt động của học sinh là tự chủ trong việc học, tự kiến tạo kiến thức cho mình. Đối với giáo viên, vai trò là khách thể. Hoạt động của giáo viên là tổ chức, trông nom, chăm sóc và xác nhận kết quả; xử trí tình huống sư phạm khi cần thiết, hoàn toàn không giảng bài.
Tại Trường THPT Trí Đức, sĩ số tối đa của Lớp học thảo luận là 16 học sinh/lớp. Mỗi lớp quản lý, sử dụng riêng một phòng học cả ngày và tối với cách bố trí không gian phù hợp. Phòng học trang bị tủ đựng máy tính cá nhân, điện thoại thông minh của học sinh, tủ sách tham khảo dùng chung, giá đựng sách vở và dụng cụ học tập.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển mô hình Lớp học thảo luận theo định hướng hiện đại, cá nhân hóa và tương tác cao, nhà trường đã đầu tư, triển khai đồng bộ các hạng mục công nghệ và thiết bị.
Cho đến nay, mô hình Lớp học thảo luận được Trường THPT Trí Đức triển khai qua 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 3 (Củng cố và lan tỏa) được triển khai từ 11/2024 đến nay. Ở giai đoạn này, nhà trường thành lập Ban Điều hành dự án Lớp học thảo luận, do Chủ tịch Hội đồng trường trực tiếp điều hành.
Kết quả, dựa theo chỉ số ΔRZC (chênh lệch giữa kết quả học kỳ so với đầu vào chuẩn hóa), các lớp triển khai dự án đều vượt trội toàn diện so với lớp đối chứng ở mọi môn học. Học sinh tiến bộ rõ rệt về giao tiếp, phản biện, làm việc nhóm, đặc biệt là tự học. Từ chỗ thụ động, nhiều em đã chủ động, tự tin trình bày và bảo vệ quan điểm. Giáo viên cũng thay đổi nhận thức, thấy rõ mô hình đã tạo ra động lực nội tại cho học sinh.
Nhà trường chủ trương nhân rộng mô hình, nhưng phụ thuộc vào khả năng tuyển chọn và bồi dưỡng giáo viên. Trước mắt mỗi khối sẽ triển khai thêm 2 - 3 lớp.
Khẳng định đổi mới giáo dục lần này đang đi đúng hướng và tin tưởng vào thành công của đổi mới, đặc biệt với phương châm “học qua làm”, ông Hà Trung Hưng, Chủ tịch Hội đồng trường THPT Trí Đức mong muốn Bộ GD&ĐT sẽ kiên trì, vững vàng theo đuổi đến cùng hướng đi này. Trường THPT Trí Đức cũng sẽ dồn tâm huyết để hiện thực hóa với quyết tâm thực hiện hiệu quả, lan tỏa mô hình Lớp học thảo luận, nguyên tắc không có ngoại lệ là “vì học sinh”.
“Mô hình Lớp học thảo luận không chỉ phù hợp tinh thần đổi mới Chương trình GDPT 2018, mà còn góp phần tạo nên một thế hệ học sinh biết học, biết phản biện, biết hợp tác, biết kiến tạo tri thức của chính mình. Đó là con đường để giáo dục Việt Nam tiến lên trong kỷ nguyên mới”, ông Hà Trung Hưng chia sẻ.
Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các cục, vụ của Bộ GD&ĐT đánh giá cao tâm huyết của nhà giáo Hà Trung Hưng nói riêng, tập thể Trường THPT Trí Đức nói chung; đồng thời trao đổi, thảo luận về mô hình Lớp học thảo luận, cũng như đưa ra góp ý để triển khai hiệu quả hơn mô hình này.
Ghi nhận nỗ lực của tập thể cán bộ, giáo viên Trường THPT Trí Đức, Thứ trưởng Thường trực Phạm Ngọc Thưởng cho rằng, nhà trường đang đi đúng hướng. Mô hình Lớp học thảo luận triển khai hơn 1 năm qua, theo Thứ trưởng, nhà trường hãy kiên định, kiên trì thực hiện, vì giáo dục là cả một quá trình. Cần khẳng định được hiệu quả mô hình tại trường trước khi nhân rộng, lan tỏa.
Từ mô hình Lớp học thảo luận tại Trường THPT Trí Đức, Thứ trưởng cũng dành nhiều thời gian chia sẻ về triển khai đổi mới giáo dục, đặc biệt việc đổi mới phương pháp dạy học, yêu cầu với đội ngũ; mục tiêu cuối cùng là hình thành nên một thế hệ học sinh chủ động, sáng tạo, tự tin, đủ năng lực giải quyết được vấn đề thực tiễn của cuộc sống…