“Việc học vượt hay không phụ thuộc hoàn toàn vào năng lực người học. Tuy nhiên, việc này cần thận trọng, không nên “nở rộ”, “cố đấm ăn xôi” và tránh tạo sức ép cho học sinh”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nhấn mạnh, đồng thời trao đổi, chúng ta có thể triển khai theo hướng, cho phép học sinh phổ thông học trước một số tín chỉ đại học bằng hình thức đào tạo trực tuyến.
Ngoài ra, có thể tổ chức cho học sinh học tập trung vào mùa Hè hoặc kỳ nghỉ dài ngày. Trước mắt, nên xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí theo hướng, ưu tiên lựa chọn học sinh tốp đầu các trường THPT, năng khiếu, THPT chuyên. Cần quy định về lực học, giới hạn số tín chỉ hoặc điểm trung bình tối thiểu ở trường phổ thông.
Nhấn mạnh, cho phép học sinh THPT học trước đại học chưa nên vội vàng triển khai diện rộng, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, việc này cần thí điểm, làm từng bước. Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tiên phong thực hiện cơ chế này thì cần tạo điều kiện. Kết quả học tín chỉ của học sinh sẽ được cơ sở giáo dục đại học công nhận - nếu sau khi tốt nghiệp THPT các em được tiếp nhận vào trường đại học, với ngành học phù hợp.
Cũng theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, sau một thời gian, cần có đánh giá tổng kết về kết quả của việc cho phép học sinh THPT học trước một số tín chỉ ở đại học. Trên cơ sở đó, phân tích lợi ích, hiệu quả và những khó khăn, bất cập trong thực tiễn để đánh giá, “đo lường” tác động của chủ trương trong xã hội; từ đó, có những bước đi tiếp theo. Nếu hiệu quả, nhiều tín hiệu tích cực, khả quan và có lợi cho người học thì có thể mở rộng cách thức này.
Đồng quan điểm, TS Lê Viết Khuyến cho rằng, nếu còn những quy định “cản trở” học sinh học trước một số tín chỉ đại học thì cần thay đổi. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chú trọng dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh. Do đó, các em cần được tạo điều kiện học tập để phát triển tối đa năng lực. Thứ nữa, việc học sinh đăng ký học trước một trường đại học là tự nguyện và theo định hướng học tập của các em nên phù hợp với thực tiễn. Tuy nhiên, cần thận trọng, làm từng bước, không nên lạm dụng làm “ồ ạt”.
Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, không nên “khắt khe” việc học sinh học vượt, học trước đại học, bởi điều này phù hợp với xu hướng giáo dục thế giới. Ngoài ra, các trường đại học có quyền tận dụng nguồn lực xã hội hóa, nâng cao hiệu quả đào tạo. Tuy nhiên, phải có quy định chặt chẽ, đảm bảo người học được học và học được.