Học sinh tích cực gọi nhờ tư vấn chọn ngành

PV | 11/03/2023, 06:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Khi còn mù mờ về ngành nghề, thiếu định hướng trong tương lai, nhiều học sinh và phụ huynh đã tích cực gọi đến các trường nhờ tư vấn chọn ngành.

tuyen sinh 2023 anh 1
Thiếu định hướng khi chọn lựa ngành học là câu chuyện chung của nhiều học sinh THPT hiện nay. Ảnh minh họa: Việt Linh.

Dự định đăng ký ngành Marketing và Quản trị kinh doanh nhưng Nguyễn Hồng (học sinh lớp 12 tại Hà Nội) vẫn còn khá mơ hồ về 2 ngành này, cũng như chưa có sự hình dung rõ ràng về nghề nghiệp tương lai.

Hồng cho biết em thường tìm hiểu các ngành học thông qua website trường, giáo viên chủ nhiệm hoặc hỏi anh chị đi trước. Tuy nhiên, những thông tin nhận được chỉ ở mức chung chung, Hồng khó có cơ hội được giải đáp chi tiết những thắc mắc như cơ hội việc làm sau khi ra trường, việc học đại học liệu có khó, ngành đó học những gì…

“Trường em từng tổ chức 1-2 buổi hướng nghiệp cho học sinh. Tuy nhiên, người hướng dẫn chủ yếu là thầy cô trong trường. Một số trường đại học có về tư vấn tuyển sinh tại trường nhưng để tư vấn cụ thể, chi tiết từng ngành thì rất hiếm”, Hồng nói.

Liên tục nhận cuộc gọi nhờ tư vấn của phụ huynh và học sinh

Không chỉ Hồng, sự mù mờ về nghề nghiệp, thiếu định hướng khi chọn lựa ngành học là câu chuyện chung của nhiều học sinh THPT hiện nay, cho thấy nhu cầu được tư vấn hướng nghiệp là rất lớn.

Trao đổi với  TS Mai Đức Toàn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông, ĐH Gia Định, cho biết hiện tại, nhu cầu tìm hiểu của học sinh và phụ huynh lớn đến mức mỗi ngày, cá nhân ông nhận được 30-50 cuộc gọi để nhờ tư vấn tuyển sinh. Vào ngày nghỉ, số lượng cuộc gọi sẽ nhiều hơn.

Các câu hỏi ông nhận được thường liên quan đến việc chọn ngành sao cho đúng, nên học đại học hay cao đẳng, học trường nào có chi phí thấp, tiết kiệm, cơ hội việc làm trong tương lai, nghề nào có lương cao…

“Tôi mở máy 24/7, giờ nghỉ trưa, buổi tối hay cuối tuần, các em gọi nhiều hơn, tôi sẵn sàng tư vấn kể cả ngày nghỉ. Nếu chưa kịp thông tin tới các em, tôi sẽ nhờ các chuyên viên hướng nghiệp khác của trường hoặc người trực tiếp làm trong lĩnh vực tư vấn cụ thể", TS Toàn nói.

Trong khi đó, ThS Ngô Trí Dũng, Giám đốc Phụ trách tuyển sinh, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, cho biết thời điểm từ tháng 4 đến hết giai đoạn làm hồ sơ, nhu cầu được tư vấn ngành nghề, hướng nghiệp của học sinh sẽ tăng lên đáng kể.

“Đa số, phụ huynh và học sinh sẽ nhờ tư vấn cụ thể về ngành học, chương trình học, các chính sách hỗ trợ, học bổng, chi phí theo học… Tuy nhiên, nhiều câu hỏi lại đến từ việc các em chưa định hình được sở thích, phân vân giữa lựa chọn ngành học, thậm chí có em không có định hướng rõ ràng nhưng cũng không chủ động tìm hiểu thông tin”, ThS Dũng nói.

Theo ông Dũng, khi tìm hiểu ngành, các em vẫn chưa có độ tìm hiểu xa hơn về ngành học mình đam mê.

Ví dụ, khi chọn học ngành Tài chính - Ngân hàng, học sinh thường nghĩ ra trường chỉ có thể làm ở ngân hàng, không hề biết có thể làm được ở các công ty tài chính hoặc hoạt động về chứng khoán... Hay một số lĩnh vực khối ngành sức khỏe, học sinh mặc định sẽ phải làm việc tại các bệnh viện.

Ông Dũng cho rằng đây là thiếu sót lớn trong hướng nghiệp, đòi hỏi các trường đại học phải thay đổi chiến lược, đa dạng hình thức tư vấn cho các em.

tuyen sinh 2023 anh 2
Theo ông Dũng, khi tìm hiểu ngành, nhiều em vẫn chưa có độ tìm hiểu xa hơn về ngành học mình đam mê. Ảnh minh họa: Hải An.

Học sinh muốn thấy thực tế thay vì chỉ nghe và tưởng tượng

Tại ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ông Dũng cho biết ngoài tư vấn trực tiếp, hiện tại, nhà trường đang triển khai các hình thức tư vấn online, bao gồm website chính thức, quảng bá hình ảnh trên các nền tảng truyền thông, thậm chí là gửi email, chăm sóc qua điện thoại tới từng học sinh.

Ngoài ra, trường cũng tận dụng nguồn lực là giảng viên, sinh viên hay giáo viên các trường THPT trọng điểm tại TP.HCM để sản xuất các clip nhằm ôn thi cho học sinh.

Năm nay, để tránh nhiều kênh thông tin gây nhiễu loạn, ThS Dũng cho biết các kênh tư vấn trên nền tảng mạng xã hội chỉ thực hiện dưới dạng hình ảnh, sản xuất clip ngắn nhằm giới thiệu, quảng bá các hoạt động vui chơi, giải trí của sinh viên.

Tại ĐH Gia Định, TS Mai Đức Toàn cho biết hình thức tư vấn trực tiếp tại các trường THPT vẫn chiếm 65% trong công tác tư vấn tuyển sinh của trường. Đây là hình thức được đánh giá đạt hiệu quả nhất.

Năm nay, tại các buổi tư vấn, nhà trường mời thêm các chuyên gia làm việc ở nhiều ngành nghề khác nhau để tư vấn trực tiếp cho các em. Ông Toàn nhận định khi được trực tiếp trao đổi với chuyên viên hướng nghiệp hoặc người trong ngành, học sinh sẽ được giải đáp thắc mắc, từ đó hiểu mình, hiểu ngành nghề.

Ngoài ra, các thông tin chi tiết về ngành nghề sẽ được nhà trường cập nhật thường xuyên trên website và các trang mạng xã hội chính thức của trường. Các giảng viên, chuyên viên của trường cũng tham gia các chương trình tư vấn trên báo đài để thông tin tới các em.

Trong khi đó, TS Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng ĐH Nông Lâm TP.HCM, đánh giá nhu cầu được tư vấn hướng nghiệp của học sinh rất lớn. Tuy nhiên, một xu hướng mới là các em muốn được tư vấn qua nhiều hình thức, cần nhất là những hoạt động mang tính thực hành và quan sát.

“Hiện tại, các em muốn nhìn thấy, trải nghiệm thực tế hơn là việc chỉ nghe tư vấn và tự hình dung nghề nghiệp trong tương lai”, TS Lý nói và cho biết ngoài tư vấn bằng lời, ĐH Nông Lâm TP.HCM thường mời các cựu giảng viên, cựu sinh viên thành đạt và sinh viên đang học tại trường đến để tư vấn thực tế cho học sinh.

Năm nay, ĐH Nông Lâm TP.HCM tập trung tư vấn hướng nghiệp, tuyển sinh từ sớm, thường xuyên hợp tác cùng các cơ quan truyền thông, báo chí và các trường THPT để đưa thông tin sớm và chính xác đến học sinh, phụ huynh.

“Quan điểm của chúng tôi là hướng nghiệp trước, hướng trường sau, chú trọng định hướng nghề nghiệp cho các em, giúp các em hiểu mình, hiểu nghề và tự đưa ra quyết định chính xác nhất về ngành, trường mình định theo đuổi", TS Lý nói.

Ngoài ra, TS Lý cho biết chính lãnh đạo, cán bộ và giảng viên của trường đều tham gia vào công tác tư vấn, hướng nghiệp thông qua các kênh khác nhau nhằm tiếp cận đa dạng học sinh.

Tương tự, ThS Dương Trần Minh Đoàn, Trưởng phòng Hướng nghiệp và Tuyển sinh, ĐH Quản lý và Công nghệ TP.HCM, cho biết để học sinh có cái nhìn thực tế, ngay từ năm ngoái, nhà trường đã xây dựng một website riêng để tư vấn hướng nghiệp bài bản cho học sinh.

Website này bao gồm những lớp học ngắn hạn giới thiệu cách thức để học sinh tìm hiểu và nhận thức rõ hơn về bản thân và ngành nghề. Từ đó, các em sẽ được tư vấn chuyên sâu, chọn ngành phù hợp. Website cũng đưa ra danh sách các trường đại học, cao đẳng đang đào tạo ngành học mà các em đã lựa chọn để thí sinh tự tìm hiểu thêm.

Bài liên quan
Lựa chọn ngành nghề phù hợp để đi đúng hướng
Để có công việc phù hợp với bản thân, khi còn ngồi trên ghế nhà trường học sinh phải lựa chọn ngành, nghề đúng năng lực, sở trường và điều kiện kinh tế của gia đình.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Học sinh tích cực gọi nhờ tư vấn chọn ngành