Cô giáo Isabel Marín, giáo viên tại Casa de Cultura de Getafe, chia sẻ: “Những học viên trẻ hơn thường bao bọc, bảo vệ những học viên lớn tuổi không phải vì họ già yếu, mà đó là sự đoàn kết, tương hỗ trong lớp học. Thông qua giáo dục, họ tìm đến nhau, xây dựng thành một cộng đồng và chia sẻ mọi điều trong cuộc sống. Điều này vượt ra khỏi mục tiêu học tập thông thường”.
Theo thống kê của Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên Hợp Quốc (UNESCO), tính đến tháng 6/2022, khoảng 771 triệu người trưởng thành trên toàn cầu mù chữ.
Nhiều người không đủ kiến thức và kỹ năng để phát triển trong thời đại kỹ thuật số. Do đó, học tập suốt đời sẽ tạo cơ hội cho tất cả mọi người có thể chống chọi với những thách thức của thời kỳ mới và được khẳng định là một bộ phận quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân của các nước.
Dù nhiều quốc gia đang triển khai giáo dục dành cho người lớn tuổi, nhưng khả năng tiếp cận cơ hội học tập trên thế giới còn hạn chế, bất bình đẳng. Hàng triệu người vẫn mù chữ.
Trong bối cảnh trên, UNESCO kêu gọi: “Để đối mặt với những thách thức toàn cầu, chúng ta phải đảm bảo quyền học tập suốt đời bằng cách cung cấp cho tất cả người học, ở mọi lứa tuổi trong mọi hoàn cảnh, kiến thức và kỹ năng mà họ cần để phát huy hết tiềm năng của bản thân”.
Cùng với Tây Ban Nha, hiện nay, khoảng 140 quốc gia trên thế giới đã cam kết thúc đẩy học tập suốt đời, mang cơ hội phát triển đến gần hơn với tất cả người dân ở mọi lứa tuổi trong mọi hoàn cảnh.
Đơn cử, từ năm 2023, Hàn Quốc sẽ triển khai các khóa học dành cho người trưởng thành chưa có bằng đại học. Tương tự như chương trình đại học, các khóa học nằm trong mô hình giáo dục suốt đời có tín chỉ. Sau khi hoàn thành các tín chỉ theo quy định, người học sẽ được cấp giấy chứng nhận thay bằng cấp.
Theo Euronews, UNESCO