Hướng nghiệp

Học trò hướng công nghệ vào ruộng đồng

22/04/2025 07:43

Không chỉ dừng lại ở lý thuyết, nhóm HS trung học ở Đắk Lắk có những sáng chế phục vụ trực tiếp đời sống người nông dân...

Dấu ấn của sáng tạo

Trong khu vườn cà phê giống rộng lớn, thật khó để từng chậu cây con nhỏ bé được theo dõi sát sao. Điều đó thôi thúc Nguyễn Ngọc Bảo Đơn (lớp 10A1) và Nguyễn Tiến Minh (lớp 11A2) - học sinh Trường Tiểu học, THCS và THPT Hoàng Việt (TP Buôn Ma Thuột) bắt tay vào nghiên cứu giải pháp ứng dụng công nghệ cao, cụ thể là Internet vạn vật (IoT) kết hợp với trí tuệ nhân tạo (AI) để giám sát quá trình sinh trưởng và dinh dưỡng của cây cà phê con.

Đây cũng là cách mà 2 học sinh này muốn giúp cha mẹ và những người trồng cà phê tiết kiệm công sức, thời gian lao động. “Chúng em nhận thấy quy trình kiểm tra cây giống chủ yếu thủ công, mất thời gian và thiếu chính xác. Trong khi đó, chất lượng cây giống quyết định tới cả mùa vụ sau này”, Tiến Minh chia sẻ.

Từ ý tưởng đó, nhóm chế tạo thiết bị tích hợp cảm biến độ ẩm, đo chỉ số dinh dưỡng đất, cùng hệ thống camera AI có khả năng nhận diện và phân tích tình trạng cây. Thiết bị liên tục ghi nhận dữ liệu và truyền về hệ thống xử lý trung tâm. Sau 8 tháng nghiên cứu, thử nghiệm và hiệu chỉnh, sản phẩm đạt độ chính xác tới 98%, giúp cảnh báo sớm tình trạng thiếu dinh dưỡng hay phát hiện dấu hiệu bất thường của cây giống.

Theo ông Trần Đức Huyên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học, THCS và THPT Hoàng Việt, không chỉ mang tính ứng dụng thực tiễn cao, chi phí sản xuất chỉ bằng 1/5 giá thiết bị nhập khẩu có chức năng tương đương. Sau thành công tại các cuộc thi, nhóm tiếp tục cải tiến để có thể thương mại hóa, phục vụ các vườn ươm, hợp tác xã… trên địa bàn.

Nếu dự án cây cà phê đến từ góc nhìn kỹ thuật số hóa nông nghiệp thì câu chuyện về máy tách vỏ sầu riêng của Phạm Anh Thư và Đặng Hoàng Dũng - học sinh Trường THCS và THPT Đông Du (TP Buôn Ma Thuột) lại bắt đầu từ... gian bếp của mẹ.

“Mẹ em thường tách sầu riêng bán cho khách. Việc này không chỉ vất vả, mà còn dễ bị chấn thương vì vỏ sầu riêng rất sắc. Em nghĩ, tại sao không có máy giúp việc đó nhẹ nhàng hơn?”, Anh Thư chia sẻ.

Sau nhiều tháng mày mò, nhóm học sinh đã thiết kế thành công máy tách vỏ sầu riêng bán tự động. Thiết bị sử dụng hệ thống lưỡi cắt được tính toán kỹ càng để đảm bảo chỉ cắt đến lớp vỏ, không làm tổn hại phần cơm bên trong sầu riêng. Quá trình thử nghiệm được nhóm lặp lại hàng chục lần nhằm điều chỉnh độ sâu, tốc độ và bố trí chốt giữ trái phù hợp với nhiều kích cỡ sầu riêng khác nhau.

Điều thú vị, nhiều linh kiện của máy được Dũng tự tay hàn gò, dựa vào kỹ năng “học lỏm” từ người hàng xóm. “Em muốn sản phẩm thực tế chứ không chỉ là mô hình. Được thấy máy vận hành thật sự là niềm vui lớn nhất. Sản phẩm hiện được nhóm nâng cấp để phù hợp hơn với quy mô các cơ sở chế biến vừa và nhỏ, thậm chí hộ gia đình”, Dũng nói.

huong-cong-nghe-vao-ruong-dong-1.jpg
Nhóm học sinh Trường THCS và THPT Đông Du chế tạo máy tách vỏ sầu riêng. Ảnh: TT

Giải bài toán cho nông nghiệp

Không phải những đề tài vĩ mô, xa vời, các sáng chế của học sinh Đắk Lắk đã chạm đến những vấn đề gần gũi, đời thường. Trong bối cảnh Đắk Lắk xác định cà phê và sầu riêng là cây trồng mũi nhọn trong cơ cấu nông nghiệp, việc học sinh trung học sáng tạo ra giải pháp hỗ trợ nông dân là tín hiệu tích cực cho tương lai của giáo dục hướng nghiệp, thực học - thực hành.

Điều này được bà Lê Thị Thảo - Trưởng phòng Giáo dục phổ thông và Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (Sở GD&ĐT Đắk Lắk) đánh giá: “Những dự án này không chỉ cho thấy sự trưởng thành trong tư duy khoa học của học sinh, mà còn thể hiện tinh thần trách nhiệm với cộng đồng. Đây là điều ngành Giáo dục luôn mong muốn hướng tới”.

Cũng theo bà Lê Thị Thảo, 2 dự án không chỉ mang về thành tích cho nhà trường, ngành Giáo dục địa phương mà các em đã “gieo mầm sáng tạo, gặt hái hy vọng” cho khát vọng vươn lên của học sinh miền núi. Bởi, hai nhóm học sinh, hai sáng chế khác nhau, nhưng chung một điểm về tư duy hướng về thực tiễn, không ngại khó, không sợ thất bại và có khát vọng cống hiến cho cộng đồng.

Có thể nói, dẫu chỉ là bước khởi đầu, nhưng những “hạt giống” sáng tạo ấy đang được gieo vào mảnh đất màu mỡ Tây Nguyên. Và biết đâu, từ nơi này, những nhà sáng chế trẻ sẽ từng bước trưởng thành, góp phần thay đổi diện mạo nền nông nghiệp Việt Nam bằng chính những sản phẩm do các em tạo nên.

Tại Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia năm học 2024 - 2025, hai dự án đến từ các trường ngoài công lập tại Đắk Lắk đã xuất sắc đoạt giải Nhì, ghi dấu ấn không chỉ bởi tính sáng tạo, mà còn ở khả năng ứng dụng thực tiễn cao, gắn chặt với nhu cầu sản xuất của người dân.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/hoc-tro-huong-cong-nghe-vao-ruong-dong-post727782.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/hoc-tro-huong-cong-nghe-vao-ruong-dong-post727782.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Học trò hướng công nghệ vào ruộng đồng