Học và trải nghiệm tại 'Vườn rau của bé'

Tiến Việt | 17/03/2022, 07:11
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Để phục vụ cho các hoạt động giáo dục trải nghiệm, các cô giáo trường mầm non tại Quảng Bình đã tranh thủ sau giờ đứng lớp và cuối tuần để làm đất, gieo trồng và chăm sóc.

Trẻ được thoả sức trải nghiệm các hoạt động chăm sóc, thu hoạch tại vườn rau của trường. Trẻ được thoả sức trải nghiệm các hoạt động chăm sóc, thu hoạch tại vườn rau của trường.

Nguồn rau sạch bổ sung bữa ăn cho trẻ

Trường Mầm non Trường Thuỷ (huyện Lệ Thuỷ) nhiều năm qua đã thực hiện mô hình “Vườn rau cho bé”, nhờ đó đã chủ động được nguồn rau xanh, sạch để phục vụ bữa ăn cho trẻ. Bên cạnh đó, các cô giáo tại đây cũng tăng cường hoạt động trải nghiệm tại vườn để giúp trẻ nhận biết được các loại rau, củ, quả và yêu quý những thành quả lao động.

Tại khu vườn của trường với nhiều luống rau xanh được các cô giáo chăm sóc tỉ mỉ, vun xới gọn gàng. Mô hình “Vườn rau của bé” có đầy đủ các loại rau, củ, quả, như: Cải ngọt, khoai lang, bắp cải, hành lá, cà rốt, cà chua, rau ngót, gấc…

Cô Hoàng Thị Lài – Hiệu trưởng Trường Mầm non Trường Thuỷ cho biết: “Từ năm học 2016 - 2017, nhà trường bắt đầu thực hiện mô hình “Vườn rau cho bé”. Nhờ sự giúp đỡ của phụ huynh, các cô giáo đã tranh thủ thời gian nghỉ để làm đất, xây dựng nên vườn rau sạch.

Với khu vườn rộng khoảng 500m2, nhà trường trồng và chăm sóc nhiều loại rau, củ, quả cung cấp nguồn rau sạch, an toàn trong bữa ăn cho trẻ thay vì đặt mua từ bên ngoài như trước đây. Cùng với đó, nhà trường cũng tăng cường các hoạt động ngoại khoá, trải nghiệm cho trẻ tại vườn rau như: Làm cỏ, gieo hạt, thu hoạch… để giáo dục kỹ năng sống cho trẻ, giúp trẻ hiểu được công việc của người nông dân”.

Tương tự, tại Trường Mầm non Phú Hải (TP Đồng Hới), “Vườn rau của bé” cũng được nhà trường xây dựng và “tự cung tự cấp” được rau xanh phục vụ bữa ăn cho trẻ.

Cô Trần Thu Hương - Hiệu trưởng Trường Mầm non Phú Hải cho hay: Để có vườn rau sạch phục vụ cho hoạt động giáo dục trải nghiệm cũng như tăng cường chất dinh dưỡng trong khẩu phần ăn của trẻ, cán bộ, giáo viên, nhân viên của trường đều tranh thủ sau những giờ đứng lớp và cuối tuần làm đất, gieo trồng và chăm sóc.

Với khoảng 240m2 đất trong khuôn viên và tận dụng thêm diện tích từ các thùng xốp, hộp nhựa… các cô đã dành nhiều thời gian, tâm sức để xây dựng nên vườn rau sạch của trường.

“Điểm thuận lợi của trường khi triển khai mô hình này là nhận được sự hưởng ứng tích cực của phụ huynh. Một số phụ huynh đã hỗ trợ các cô từ khâu ươm giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc. Vì vậy, vườn rau ở đây không chỉ phong phú về chủng loại mà còn phát triển và xanh tốt quanh năm. Từ khi có mô hình này, nhà trường không phải đặt mua thực phẩm rau, củ từ bên ngoài, từ đó, vừa tiết kiệm được một phần chi phí vừa có thực phẩm sạch cung cấp bữa ăn đầy đủ dưỡng chất cho trẻ”, cô Hương cho biết thêm.

“Mô hình “Vườn rau của bé” tạo môi trường cho trẻ học tập trải nghiệm, giúp trẻ khám phá, phát triển tri thức về thế giới tự nhiên diệu kỳ xung quanh, góp phần giáo dục kỹ năng sống.

Giúp trẻ trải nghiệm, học hỏi và nhận biết

Mô hình “Vườn rau của bé” là một trong những hoạt động được các trường học chú trọng, gắn với việc thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, tạo môi trường cho trẻ học tập trải nghiệm, giúp trẻ khám phá, phát triển tri thức về thế giới tự nhiên diệu kỳ xung quanh, góp phần giáo dục kỹ năng sống.

Mặt khác, hoạt động này cũng góp phần tăng cường sự phối hợp giữa phụ huynh và nhà trường trong việc xây dựng, chăm sóc cảnh quan môi trường, chăm sóc, giáo dục trẻ.

Thông qua các hoạt động như: Chăm sóc, vun xới, nhặt cỏ, thu hoạch… các cô giáo vừa hướng dẫn vừa giới thiệu cho trẻ về những loại cây, giúp trẻ cảm nhận một cách thực tế và tiếp thu nhanh; tạo cho trẻ sự hòa nhập, gần gũi với thiên nhiên.

Từ đó, trẻ thực sự thích thú khi được tham gia vào các giờ học ngoại khóa, để được trải nghiệm hoạt động làm vườn. Và chính từ hoạt động trải nghiệm đã giúp trẻ ghi nhớ các bài học về giá trị của sức lao động ngay từ khi còn nhỏ. Đây còn là nơi để các cô thư giãn, cùng nhau làm việc, trò chuyện xây đắp thêm tình đoàn kết và lòng yêu nghề, mến trẻ.

Ở nhiều trường học, ngoài việc trồng các loại rau, củ, quả theo thời vụ, các cô giáo nghiên cứu, học hỏi kỹ thuật để trồng thêm một số loại rau, củ, quả khác nhằm làm phong phú thêm nguồn thực phẩm cung cấp cho trẻ tại chỗ.

Bà Võ Thị Tường Vy – Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Lệ Thuỷ cho biết: Mô hình “Vườn rau của bé” được các trường mầm non trên địa bàn huyện triển khai, thực hiện trong nhiều năm qua và rất hiệu quả. Mô hình vườn rau vừa là nơi để trẻ tham quan, trải nghiệm, giáo dục kỹ năng sống vừa cung cấp nguồn rau sạch dinh dưỡng cho bữa ăn bán trú. Xây dựng vườn rau trong khuôn viên trường làm đẹp thêm phong quang trường, lớp.

Bài liên quan
GrabFood Deluxe - dịch vụ trải nghiệm ẩm thực sang trọng
(GDTĐ) - Ngày 12/1, Grab Việt Nam đã ra mắt dịch vụ mới GrabFood Deluxe, bao gồm hàng loạt nhà hàng, quán ăn sang trọng, cao cấp trên GrabFood.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Học và trải nghiệm tại 'Vườn rau của bé'