Nhiều chuyên gia cho rằng, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ là khâu đột phá, chiến lược cho thời kỳ phát triển mới của đất nước.
Rút ngắn thời gian để kiểm soát rủi ro
Về tiến độ thực hiện dự án, kết quả phân tích độc lập của Tư vấn thẩm tra cho thấy, dự án phải thông toàn tuyến thì mới đạt hiệu quả. Tuy nhiên, thời gian thực hiện dự án theo đề xuất tại báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (đến năm 2050 mới đưa vào khai thác toàn tuyến) là quá dài, sẽ dẫn đến rủi ro về tăng tổng vốn đầu tư, bỏ lỡ cơ hội phát triển kinh tế xã hội. Do đó, Hội đồng thẩm định nhà nước cũng đề nghị Bộ GTVT tiếp thu kiến nghị của đơn vị tư vấn thẩm tra, đơn vị tư vấn thẩm định kiến nghị rút ngắn thời gian thực hiện đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam xuống còn 16 năm, sẽ giúp kiểm soát được rủi ro tiềm ẩn tăng tổng vốn đầu tư dự án.
Ngoài ra, theo đề xuất của Bộ GTVT, nếu thực hiện đầu tư đường sắt cao tốc Bắc - Nam chuyên chở khách, với tốc độ thiết kế khoảng 350km/h, tốc độ khai thác 320km/h thì tổng mức đầu tư dự án khoảng 58,7 tỉ USD. Nhưng kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định nhà nước thì nếu đầu tư theo phương án này, tổng vốn đầu tư dự án khoảng 64,6 tỉ USD, tăng khoảng 5,89 tỉ USD. Nếu đầu tư theo phương án đường sắt tốc độ cao, với vận tốc khai thác từ 160-225km/h, vốn đầu tư theo đề xuất của Bộ GTVT khoảng 76,39 tỉ USD, nhưng theo tính toán của Hội đồng thẩm định nhà nước là khoảng 61,02 tỉ USD, giảm 15,34 tỉ USD. Và theo đề xuất của cả Bộ GTVT và đơn vị tư vấn thẩm tra báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, nếu đầu tư theo PPP, vốn nhà nước tham gia vào dự án chiếm khoảng 80%, và tư nhân sẽ góp khoảng 20% tổng vốn đầu tư dự án.
Bên cạnh đó, Hội đồng thẩm định nhà nước cũng cho rằng, Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam sẽ là cơ hội và yếu tố quan trọng để phát triển ngành Đường sắt Việt Nam thành một trong những ngành kinh kế trọng điểm quốc gia. Do đó, Hội đồng thẩm định nhà nước đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu các đề xuất của Tư vấn thẩm tra để hoàn thiện giải pháp xây dựng các chính sách phát triển nguồn nhân lực, sản xuất thiết bị, công nghiệp phụ trợ làm cơ sở xây dựng, phát triển ngành công nghiệp đường sắt trong nước.
Ngoài ra, để triển khai dự án cần phải có cơ chế đặc biệt, phải báo cáo Chính phủ để xem xét trình Quốc hội. Do đó, đề nghị Bộ GTVT nghiên cứu kết quả thẩm tra của tư vấn thẩm tra và xây dựng cơ chế đặc biệt của dự án.