Hội nghị TƯ 6 đã cụ thể hóa những nội dung cốt lõi trong Nghị quyết Đại hội XIII

Theo Kim Anh | 13/10/2022, 09:40
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng – Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II cho biết, Trung ương đã cụ thể hóa những nội dung cốt lõi, những vấn đề lớn, có ý nghĩa chiến lược đã nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII đã khép lại và hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Tại hội nghị này, Trung ương đã bàn những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể về phát triển KT-XH không chỉ trong năm sau mà còn đưa ra định hướng cho những vấn đề rất hệ trọng, có ý nghĩa chiến lược lâu dài liên quan đến sự phát triển của đất nước trong 2 – 3 thập niên tới.

Cụ thể hóa những nội dung cốt lõi trong Nghị quyết Đại hội XIII

Qua theo dõi Hội nghị Trung ương 6, PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng – Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II cho biết, Trung ương đã cụ thể hóa những nội dung cốt lõi, những vấn đề lớn, có ý nghĩa chiến lược đã nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Hội nghị TƯ 6 đã cụ thể hóa những nội dung cốt lõi trong Nghị quyết Đại hội XIII - Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng – Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II

Trung ương nhận định, các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước đang trên đà hồi phục sau khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, tình hình kinh tế- xã hội 9 tháng qua đều đạt được những con số khả quan. Cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá rất cao tăng trưởng GDP của nước ta trong 9 tháng qua đã đạt 8,83%. Kết quả đó có được nhờ sự lãnh đạo sát sao, kịp thời của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, sự đồng hành và giám sát có hiệu quả của Quốc hội cũng như sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, bài bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thông qua việc đánh giá tình hình kinh tế-xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2022, Trung ương đã có đưa ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 làm sao đạt hiệu quả.

Một nội dung quan trọng khác là Trung ương đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu, thảo luận, tạo sự thống nhất cao về sự cần thiết phải ban hành và tổ chức thực hiện tốt Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đây là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng có ý nghĩa chiến lược, cơ bản, lâu dài, nhưng cũng là vấn đề rất rộng lớn, rất mới, rất khó, rất nhạy cảm và chưa có tiền lệ.

“Việc quy hoạch hiện nay ở một số địa phương còn nhiều hạn chế, yếu kém, nên việc quy hoạch tổng thể quốc gia là một trong những nhiệm vụ rất lớn, có ý nghĩa chiến lược. Quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng phải đi trước, rồi mới quy hoạch địa phương. Còn thực tế hiện nay quy hoạch địa phương trước rồi Trung ương làm sau nên nhiều khi không ăn khớp, không đồng bộ. Do đó, đây là nhiệm vụ rất quan trọng, rất khó, nhạy cảm”- ông Nguyễn Quốc Dũng cho biết.

Nhấn mạnh việc tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị là một trong những nội dung quan trọng được Trung ương thảo luận tại hội nghị lần này, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II cho biết, cần phải triển khai thực hiện đồng bộ cả 5 phương thức lãnh đạo của Đảng. Trong đó, phải đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức, cán bộ; phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Theo ông, thực tiễn đã chứng minh, ở bất kỳ tổ chức, cơ quan, đơn vị nào mà người đứng đầu nêu gương về bản lĩnh chính trị, thực hành dân chủ, thực thi nhiệm vụ, kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện tham nhũng, tiêu cực thì nơi đó phát triển. Cán bộ, đảng viên phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương sẽ góp phần kiềm chế, ngăn chặn tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Và cũng chính nêu gương sẽ làm cho cán bộ, đảng viên không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sáng tạo, đương đầu với khó khăn, thử thách vì lợi ích chung.

Dựa vào dân để xây dựng Đảng

Nhất trí việc Trung ương ban hành Nghị quyết về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới, ông Lù Văn Que - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, cần có cơ chế phát huy vai trò của nhân dân tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong tình hình mới.

Hội nghị TƯ 6 đã cụ thể hóa những nội dung cốt lõi trong Nghị quyết Đại hội XIII - Ảnh 2.

Ông Lù Văn Que, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị .

Theo ông, việc Đảng sàng lọc đội ngũ, tự chỉnh đốn mình là việc làm có ý nghĩa quyết định. Song, Đảng cần quy định cụ thể về chịu sự giám sát của dân, dựa vào dân để xây dựng Đảng. Muốn phòng chống được tham nhũng, lãng phí phải phát động được nhân dân tham gia; đồng thời phải kiểm soát được quyền lực của cán bộ, chống tha hóa quyền lực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Ông cho rằng, để mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống thì tạo được sự đồng thuận của nhân dân. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ở một số nơi giữa người dân và chính quyền chưa có tiếng nói chung, thậm chí trở thành điểm nóng.

“Nơi nào bất hòa, chưa thống nhất giữa Đảng với nhân dân thì có phương thức rất quan trọng mà thực tiễn đã để lại nhiều bài học quý đó là cán bộ, người thực thi nhiệm vụ trực tiếp đối thoại với dân làm sao thấu tình đạt lý. Không áp đặt, không ban ơn, không làm thay và không để kẻ xấu lợi dụng chống phá. Nơi nào làm tốt việc đối thoại với dân thì mọi công việc đều thuận lợi. Bên cạnh đó cũng cần mở rộng các hình thức thực hành dân chủ trực tiếp, phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân” – ông Lù Văn Que cho biết.

Nhắc lại việc kỷ luật nhiều cán bộ mắc vi phạm thời gian qua, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, điều này khẳng định Đảng đã nhất quán giữa nói và làm, thể hiện sự nghiêm minh của kỷ luật đảng, để giáo dục, ngăn ngừa, cảnh tỉnh, răn đe các trường hợp khác. Và đây cũng là bài học đắt giá để mỗi cán bộ rút kinh nghiệm, qua đó càng phải nêu gương hơn nữa trong việc tu dưỡng và rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng.

“Đảng phải mạnh hơn nữa, quyết liệt hơn nữa để làm trong sạch đội ngũ. Cán bộ được giao chức quyền thì phải phục vụ nhân dân, đất nước, chứ không phải dùng quyền lực để tham nhũng, hách dịch với dân, xa dân, điều đó không chỉ ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng mà còn là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ” – ông Lù Văn Que cho biết./.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hội nghị TƯ 6 đã cụ thể hóa những nội dung cốt lõi trong Nghị quyết Đại hội XIII