Làng Rêu có 103 hộ dân với gần 300 nhân khẩu, đồng bào dân tộc Hrê chiếm 98% dân số. Sau khi đẩy lùi được căn bệnh quái ác, được sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, người dân nơi đây đã tập trung xây dựng cuộc sống mới, trồng lúa, trồng keo, phát triển chăn nuôi... Nhờ vậy, trong làng không hộ dân nào còn thiếu ăn như trước, nhiều nhà làm ăn khấm khá, xây dựng nhà ở khang trang. |
Cuối cùng, với nỗ lực hết mình của các chuyên gia y tế trong và ngoài nước, căn "bệnh lạ" ấy đã dần được làm sáng tỏ nguyên nhân, trả lại cuộc sống yên bình cho ngôi làng nằm giữa núi đồi mênh mông.
Đổi thay
Những ngày đầu tháng 10 này, chúng tôi vượt gần 50km từ trung tâm TP Quảng Ngãi về Làng Rêu. Trước mắt là khung cảnh yên bình đến lạ, cánh đồng lúa xanh mướt căng tràn sức sống, con đường dẫn vào làng được bê tông hóa, rộng thênh thang… Thoáng qua không ai có thể nghĩ rằng, ngôi làng này đã từng lao đao, xác xơ vì "bệnh lạ".
Anh Phạm Văn Đếch cho biết, cây cầu treo bắc qua suối Nước Nẻ được xây dựng và sử dụng từ đầu năm 2016. Ngày khánh thành, dân làng ai nấy vui mừng vì không còn bị con suối Nước Nẻ "trói chân" vào mùa mưa lũ nữa.
Dẫn chúng tôi đi vòng quanh làng, anh Đếch vui mừng cho biết con đường đất đầy sỏi đá dẫn vào làng trước kia nay đã được trải bê tông, nhiều công trình dân sinh và thiết chế văn hóa được Nhà nước đầu tư xây dựng phục vụ đời sống sinh hoạt của người dân, điện sáng từ nhà ra ngõ... Nhưng, đổi thay lớn nhất chính là nếp nghĩ, cách làm của người dân.
“Nhờ có chính quyền và ngành y tế vào cuộc, người Làng Rêu đã hiểu chẳng có "con ma" nào làm bệnh cả. Chỉ vì đời sống người dân còn kham khổ, thói quen ăn uống lạc hậu, việc chăm sóc y tế còn hạn chế… nên mắc bệnh mà thôi”. Chị Phạm Thị Ửi
“Nhiều cách nghĩ mới, cách làm mới đã kéo Làng Rêu gần hơn với miền xuôi. Người dân không còn nuôi nhốt gia súc, gia cầm dưới chân nhà sàn, nhà nào cũng có chuồng trại chăn nuôi riêng. Tình trạng để thức ăn hun khói, dự trữ trên giàn bếp, hay để lúa trong chòi gây nên ẩm mốc không còn nữa. Bà con đã biết cách bảo quản nông sản sau thu hoạch, biết đến trạm y tế mỗi lúc ốm đau, biết ăn chín uống sôi...”, anh Đếch nói.
Cùng với người dân trong làng, vượt qua nỗi đau mất người thân, anh Đếch chăm chỉ làm ăn, xây dựng cuộc sống mới. Hiện anh Đếch có mái ấm gia đình mới với cô giáo mầm non ở địa phương và đã có với nhau hai con nhỏ.
Nỗi lo di chứng
Căn bệnh đã qua, nhưng những người từng mắc bệnh ở Làng Rêu giờ đây lại đang lo lắng về di chứng của căn bệnh này, như bị mờ mắt, điếc tai.
Dù đã điều trị khỏi bệnh từ nhiều năm trước, nhưng di chứng của "bệnh lạ" khiến cho tai của bà Phạm Thị Xao (67 tuổi) không nghe rõ. Bà Xao cho biết, sau khi được điều trị khỏi bệnh khoảng 2 năm, bà có dấu hiệu lãng tai và bệnh ngày càng nặng. “Mấy năm trước tôi đã xuống bệnh viện tỉnh để khám và chữa trị nhưng vẫn không khỏi bệnh”, bà Xao nói.
Di chứng của căn bệnh cũng khiến con dâu của bà Xao là chị Phạm Thị Triêu bị mờ mắt. Bệnh của chị Triêu ngày càng nặng, chạy chữa nhiều nơi nhưng đến nay vẫn không khỏi. Anh Đếch cho hay, bản thân anh cũng bị mờ mắt, và cho rằng đó cũng là di chứng của bệnh mà anh từng mắc phải.
Phó Chủ tịch UBND xã Ba Điền Phạm Văn Ênh xác nhận, hầu hết các trường hợp mắc bệnh hội chứng viêm da dày sừng bàn tay, bàn chân sau khi được điều trị khỏi bệnh đều bị di chứng mờ mắt, điếc tai... với mức độ nặng, nhẹ khác nhau. Trong đó, có khoảng 10 trường hợp bị di chứng nặng và đang được điều trị ở các bệnh viện.
“Chính quyền địa phương cũng như người dân Làng Rêu rất mong các cấp, các ngành chức năng quan tâm đề xuất Bộ Y tế và các cơ quan liên quan về địa phương thăm khám, khảo sát và có thuốc điều trị dứt điểm các di chứng của căn bệnh này để người dân yên tâm hơn”, anh Ênh bày tỏ.