Ngoài dự án đường giao thông, UBND TP Đà Lạt cũng nhận định dự án đầu tư lắp đặt đèn tín hiệu, nâng cấp cải tạo 10 nút giao thông trọng điểm với tổng vốn đầu tư hơn 119 tỉ đồng có thể triển khai trong năm nay.
Cụ thể, dự án sẽ tổ chức giao thông bằng hệ thống đèn tín hiệu, kết hợp với mở rộng mặt đường, vỉa hè, thoát nước đối với 7 nút giao: Hải Thượng – Hai Bà Trưng – Hoàng Diệu, Ngô Quyền – La Sơn Phu Tử - Nguyễn An Ninh, Hai Bà Trưng – La Sơn Phu Tử, Xô Viết Nghệ Tĩnh – Nguyễn Công Trứ, Tản Đà – Hai Bà Trưng, Tản Đà – Phan Đình Phùng, Hoàng Văn Thụ - Mạc Đĩnh Chi – Đồng Tâm.
Mở rộng mặt đường, hoàn thiện vỉa hè, thoát nước các nút giao thông: Thánh Mẫu – Mai Anh Đào, Nguyễn Đình Chiều – Sương Nguyệt Ánh, Phan Đình Phùng – Xô Viết Nghệ Tĩnh – La Sơn Phu Tử. Dự án đã được Sở Xây dựng thẩm định hồ sơ báo cáo nghiên cứu khả thi, đang trình UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt.
Bên cạnh các dự án đầu tư công, TP Đà lạt còn có một dự án bằng nguồn vốn ngoài ngân sách với số tiền 163,5 tỉ đồng để thay thế hệ thống đèn chiếu sáng công cộng hiện hữu bằng hệ thống đèn led công nghệ cao, xây dựng hệ thống chiếu sáng công cộng điều khiển thông minh.
Dự án đã tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
UBND TP Đà Lạt và doanh nghiệp đã đàm phán, và hoàn thiện hợp đồng. Các sở ngành liên quan đã có ý kiến đối với nội dung này. UBND TP Đà Lạt đã giao Phòng Tài chính – Kế hoạch tiếp thu ý kiến và hoàn thiện nội dung biên bản và hợp đồng.
2 dự án đang chờ "giải cứu"
Ngoài những dự án đủ điều kiện khởi công trong năm 2023, UBND TP Đà Lạt cũng có báo cáo và tìm phương án tháo gỡ khó khăn tại 2 dự án đang triển khai là xây dựng đường giao thông nối từ đường Lữ Gia xuống thượng lưu hồ Xuân Hương và xây dựng công viên Yersin (giai đoạn 3). Cả hai cùng có vướng mắc trong vấn đền bù giải phóng mặt bằng.
Dự án nâng cấp mở rộng đường Lữ Gia đang thi công chậm chạp ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống người dân.
Dự án xây dựng đường giao thông nối từ đường Lữ Gia có tổng mức đầu tư ban đầu 138 tỉ đồng. Đến nay tỉnh Lâm Đồng đã bố trí hơn 103/138 tỉ đồng vốn đầu tư nhưng công trình đang dang dở, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng tăng cao khiến dự án chậm tiến độ.
Còn dự án xây dựng công viên Yersin (giai đoạn 3) có vốn đầu tư 169 tỉ đồng, trong đó chí phí bồi thường giải phóng mặt bằng gần 142 tỉ đồng. Tính đến hết năm 2022, dự án đã được bố trí hơn 90 tỉ đồng và dự kiến năm 2023 được bố trí tiếp 30 tỉ đồng. Thế nhưng dự án này cũng lâm vào tình trạng khó khăn vì giải phóng mặt bằng.