Giờ đây, DJI đã quyết định gia nhập thị trường non trẻ, sẵn sàng cạnh tranh với các "ông lớn" thế giới khác như Amazon hay Wing.
Tuy nhiên, khi hầu hết các dòng uav đều gây lo lắng về hiệu suất khi hoạt động trong mưa hoặc gió lớn nhưng FlyCart 30 thì khác. Nó được quảng cáo là "chiếc máy hoạt động trong mọi thời tiết" và được xếp hạng IP55, nghĩa là nó có khả năng chống bụi và mưa vừa phải. Nó cũng có thể bay trong điều kiện gió có tốc độ lên tới 26 dặm/giờ và ở nhiệt độ từ âm 15 độ C đến 45 độ C. Vì vậy, hoạt động của FlyCart 30 sẽ không bị giới hạn trong phạm vi thời tiết quang đãng.
Tính năng thú vị thứ hai là cơ chế điều khiển kép của FlyCart 30. Các công ty thường tìm cách giao càng nhiều máy bay không người lái càng tốt cho một người điều khiển nhưng DJI đã nghĩ ra cách ngược lại. Miễn là mỗi người đều có bộ điều khiển, người điều khiển có thể chuyển quyền điều khiển cho người khác chỉ bằng một nút nhấn mà không làm gián đoạn chuyến bay. Điều này cho phép vận chuyển trên khoảng cách xa hơn, tránh nhiễu tín hiệu và bổ sung thêm một lớp an toàn khác.
Tuy nhiên, bay chỉ là một nửa câu chuyện về việc giao hàng bằng uav. Do đó, DJI cũng cung cấp các cơ chế phân phối có thể hoán đổi cho FlyCart 30, với tùy chọn sử dụng hộp chở hàng hoặc hệ thống tời kéo.
Một tính năng hấp dẫn khác là hệ thống "chống lắc" thông minh của FlyCart 30. Công nghệ tiên tiến phát hiện trọng lượng và trọng tâm khi đang bay giúp nó trở lại trạng thái bay cân bằng bất cứ khi nào nó lắc lư hoặc nghiêng.
DJI có thể sẽ bán dịch vụ giao hàng bằng uav chủ yếu cho khách hàng doanh nghiệp, bởi nhu cầu của nhóm này cao hơn so với khách hàng cá nhân. Điều đó sẽ thúc đẩy doanh thu cho DJI.
Freight Waves cho hay, tính đến tháng 2 năm nay, công ty Trung Quốc chiếm khoảng 7/10 doanh số bán máy bay không người lái thương mại trên toàn cầu. Điều đó giúp họ duy trì nhà sản xuất uav vị trí số 1 thế giới, kể từ năm 2015. Ước tính DJI đạt doanh thu khoảng 2 tỷ USD mỗi năm.
Sức cạnh tranh cực lớn
Theo trang tin công nghệ nổi tiếng Mỹ The Verge, DJI chiếm ưu thế trong thị trường uav đến nỗi nó đã "đè bẹp" đối thủ cạnh tranh tên tuổi khác - nhà sản xuất uav Parrot của Pháp, được thành lập vào năm 1994.
Vào năm 2019, Parrot cho biết họ rời khỏi thị trường uav đồ chơi mini, một động thái mà các nhà quan sát cho là do sự cạnh tranh gay gắt từ DJI.
Người phát ngôn của Parrot thời điểm đó thông báo, Parrot đã ngừng sản xuất và phát triển bất kỳ uav nào ngoài Anafi và các biến thể của nó.
Parrot đã chế tạo những chiếc uav mini trong nhiều năm, rất lâu trước khi hãng tung ra thị trường những chiếc máy bay không người lái Bebop và Anafi hàng đầu của mình. Nhưng khi thị trường uav dành cho người tiêu dùng bùng nổ thì thị trường này cũng bị thống trị bởi DJI, hãng chiếm khoảng 3/4 doanh số toàn cầu.
Do đó, Parrot đã dành nhiều năm để chuyển trọng tâm kinh doanh cốt lõi của mình sang các giải pháp máy bay không người lái thương mại.
Công ty thông báo, họ sẽ phát triển thành một dòng máy bay không người lái toàn diện” và sẽ chuyển hướng từ việc cố gắng cạnh tranh với DJI trên thị trường uav thương mại.