Theo đánh giá của Hội đồng giám khảo, chất lượng các tác phẩm dự thi năm nay khá tốt, phản ánh đậm nét về đời sống giáo dục và bám sát các vấn đề thời sự của ngành Giáo dục. Nhiều tác phẩm đã để lại ấn tượng sâu sắc, bởi có sự đầu tư công phu từ nội dung cho đến hình thức thể hiện. Qua đó, thể hiện sự dấn thân của tác giả trong quá trình tác nghiệp. Đáng chú ý, Giải đã thu hút sự tham gia đông đảo của các phóng viên, nhà báo chuyên và không chuyên, các cơ quan báo chí từ Trung ương đến các địa phương.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục hoành hành khắp miền đất nước, khi giáo dục là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, những tấm gương nhà giáo xung phong nơi tuyến đầu chống dịch, những nhà giáo vừa chống dịch vừa dạy học trực tuyến hiệu quả là những nốt nhạc cổ vũ, thắp nên hi vọng mới giữa những bi quan, tiêu cực.
Đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức do tác động của dịch COVID-19, nhưng toàn ngành Giáo dục đã chủ động, nỗ lực quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ năm học, sẵn sàng các điều kiện để tiếp tục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Rất nhiều tác phẩm phản ánh về cuộc chiến chống COVID-19; quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh được tạo nên bởi ý chí, sức mạnh của cả tập thể.Phát biểu bế mạc buổi họp báo, ông Trần Quang Nam - Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT đã cảm ơn sự quan tâm, đồng hành của các nhà báo đối với ngành Giáo dục trong suốt thời gian qua. Trong năm 2021, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng sâu rộng tới nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành Giáo dục. Học sinh của nhiều tỉnh, thành phố vẫn đang phải học trực tuyến, học qua truyền hình thay vì được đến trường học trực tiếp. Các nhà báo đã kịp thời phản ánh, ghi nhận những nỗ lực của ngành Giáo dục trong thời gian qua, nhất là trong việc duy trì các hoạt động giáo dục, không để vì dịch bệnh mà các hoạt động giáo dục bị "đứt gãy".
Năm nay có hơn 700 tác phẩm báo chí dự giải, thể hiện sự lan tỏa của giải. Có nhiều tác phẩm có sự đầu tư công phu của tác giả, trong đó có những tác phẩm mang tính phản biện cần được nghiên cứu tiếp thu để điều chỉnh chính sách kịp thời. Ông Trần quang Nam cũng đề nghị Ban Tổ chức giải cần chuẩn bị chu đáo cho năm 2022 và những năm tiếp theo, trong đó có việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung điều lệ giải. Cần bổ sung các nhân vật tiêu biểu để tôn vinh là các em học sinh, sinh viên. Những tác phẩm báo chí chất lượng cần được tôn vinh nhiều hơn và thường xuyên hơn.
Đồng thời, ông Trần Quang Nam mong muốn các nhà báo tiếp tục đồng hành cùng với ngành Giáo dục, có nhiều tác phẩm báo chí mang tính phát hiện, lan tỏa nhiều hơn nữa những gương sáng trong ngành, tôn vinh các giá trị tốt đẹp của đời sống giáo dục, từ đó giúp các thầy cô, các em học sinh và các bậc phụ huynh yên tâm, đồng thuận với các chủ trương, chính sách mới của ngành.