Theo đó, người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2 - dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng - 3 năm.
Tuy nhiên, để xử lý hình sự cá nhân trộm cắp tài sản, hành vi của đối tượng phải thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm.
Trong đó, chủ thể của tội phạm phải là người có năng lực trách nhiệm hình sự (là người đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và có năng lực hành vi dân sự, có khả năng nhận thức, điều khiển hành vi) - luật sư Lê Hồng Vân nhấn mạnh.
Với vụ việc liên quan đến "hot girl" Bella, nghi phạm được biết đến là người có lối sống kỳ dị, dễ nổi nóng và có nhiều biểu hiện tâm lý bất thường.
Do đó, cơ quan công an sẽ làm rõ khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của người phụ nữ này vào thời điểm thực hiện hành vi trộm cắp tài sản, làm rõ mục đích lấy xe máy để làm gì, nhận thức về hành vi này thế nào. Trên cơ sở đó sẽ xác định tính chất nguy hiểm của hành vi và các dấu hiệu của tội phạm.
Nếu người phụ nữ này có biểu hiện mắc bệnh tâm thần, cơ quan chức năng có thể trưng cầu giám định để xác định năng lực trách nhiệm hình sự, xác định khả năng nhận thức, điều khiển hành vi của họ trước khi quyết định có khởi tố bị can hay không.
Trường hợp kết quả cho thấy, cá nhân này hoàn toàn nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, mục đích thực hiện hành vi là để chiếm đoạt tài sản của người khác thì sẽ bị xử lý hình sự về Tội trộm cắp tài sản.
Nếu cá nhân này mắc bệnh làm hạn chế một phần khả năng nhận thức thì vẫn bị xử lý hình sự, nhưng có thể được xem xét giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự.
Còn nếu người này hoàn toàn mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi khi trộm cắp tài sản thì không bị xử lý hình sự, nhưng bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.