Được biết, nhà sản xuất phim Đất rừng phương Nam đã mời Hứa Vĩ Văn vào vai diễn này từ hai năm trước và anh đã ngay lập tức “tầm sư học đạo” để chuẩn bị cho vai diễn, bao gồm học nói tiếng Pháp và học hát tuồng cổ vì thầy Bảy sẽ còn xuất hiện trong một gánh hát.
“Thầy giáo Bảy mỉm cười. Nụ cười độ lượng không tỏ ra có chút gì khó chịu, mà còn làm tăng thêm vẻ đôn hậu trên gương mặt hiền lành” - nhà văn Đoàn Giỏi đã thông qua An mà miêu tả người thầy giáo được mọi người trọng vọng.
Nét mặt hiền hậu của Hứa Vĩ Văn được khán giả đánh giá là rất phù hợp với hình ảnh người thầy của bé An, người đã dạy An bài học quan trọng nhất của đời người rằng tinh thần học hỏi không bao giờ chỉ nên dừng lại ở mái trường, ở đôi con chữ a bê xê.
Bên cạnh đó, không chỉ khán giả mà nhiều đồng nghiệp cũng dành sự trông đợi cho sự xuất hiện của thầy giáo Bảy. Vì không chỉ là người thầy của An, thầy Bảy còn là một nhân vật yêu nước với câu chuyện về gánh hát tuồng cổ của mình.
Có lẽ vì vậy mà “phù thuỷ nhạc phim” - nhạc sĩ Đức Trí đã có lời khẳng định cho màn trình diễn của Hứa Vĩ Văn trong Đất rừng phương Nam.
Thầy Bảy đưa An và má đi chạy giặc và đối đầu với lính canh. Thầy Bảy đại diện cho tầng lớp tri thức yêu nước nên hứa hẹn sẽ còn mang đến vai trò khác trong phim.
Hành trình đi tìm cha của bé An là một hành trình trưởng thành với sự đồng hành của rất nhiều nhân vật, nhiều thân phận con người cả tốt lẫn xấu. Mà người đã đặt nền móng vững chãi cả về trí thức, tri thức lẫn đạo đức trong cậu bé không ai khác ngoài thầy giáo Bảy.
Có lẽ vì vậy mà chỉ với một câu thoại, Hứa Vĩ Văn đã có thể làm khán giả xúc động như thể đang được cùng thầy giáo gửi gắm bài học cuối cùng trước khi chứng kiến cuộc phiêu lưu của cậu học trò nhỏ vào cuối tháng 10 tới.