Giáo dục

Hướng nghề, hướng nghiệp: Cần những 'cánh tay' nối dài

09/04/2025 22:28

Công tác hướng nghiệp cho học sinh ở các trường học chủ yếu do giáo viên chủ nhiệm đảm nhận.

Tuy nhiên, các thầy cô không được đào tạo chuyên nghiệp về công tác tư vấn, hướng nghiệp, trong khi tài liệu, thông tin về dự báo nhu cầu nguồn nhân lực, định hướng phát triển, cơ cấu kinh tế… chưa được cung cấp đầy đủ.

Thiếu tài liệu, giáo viên khó hướng nghiệp

Trường THCS Dũng Hợp (Nghĩa Dũng, Tân Kỳ, Nghệ An) có khoảng 400 học sinh, hầu hết là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Đây cũng là ngôi trường hằng năm có tỷ lệ phân luồng rõ nét, khoảng 70% học sinh có nhu cầu thi tuyển sinh vào lớp 10, còn lại theo định hướng học nghề hoặc lao động sớm.

Nhiều năm gắn bó với công tác chủ nhiệm, cô Nguyễn Thị Thanh Nga cho biết, học sinh phân luồng của trường nhiều, nhưng nhiều em muốn đi làm kiếm tiền ngay mà không học nghề hay qua trường lớp đào tạo sau khi tốt nghiệp. Học sinh ở lứa tuổi này chưa nhận thức được vai trò quan trọng của đào tạo ngành nghề, mà chỉ thấy được cái lợi trước mắt.

“Công tác tư vấn, định hướng cho các em gặp không ít khó khăn. Tài liệu dạy hướng nghiệp ít và gần đây mới có sách giáo khoa phục vụ giảng dạy. Là giáo viên, tôi và đồng nghiệp chủ yếu vận dụng kiến thức, trải nghiệm, kinh nghiệm bản thân và tìm kiếm thông tin để cung cấp, định hướng cho học sinh, bù đắp cho thiếu hụt tài liệu”, cô Nguyễn Thị Thanh Nga chia sẻ.

Tại trường, các em có nhu cầu học tiếp lên THPT, thầy, cô giáo sẽ hỗ trợ, phụ đạo, ôn tập kiến thức để dự thi vào lớp 10. Còn học sinh phân luồng sẽ được định hướng để vào học trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên hoặc cơ sở đào tạo nghề.

Thầy Vũ Ngọc Lâm, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay: Giáo dục hướng nghiệp cho học sinh được trường lồng ghép trong các hoạt động trải nghiệm. Trong đó, tổ chức cho các em tham quan, tìm hiểu các ngành nghề của địa phương như: Sản xuất gạch ngói, chế biến gỗ, nghề làm hương, mật mía truyền thống… Qua đó, các em có trải nghiệm thực tế, biết được nhu cầu của doanh nghiệp. Lao động qua đào tạo sau này sẽ có lương cao, cơ hội phát triển nghề nghiệp tốt hơn so với lao động chân tay, phổ thông.

Những năm gần đây, mỗi khóa học sinh lớp 12 Trường THPT Nghi Lộc 4 (Nghi Lộc, Nghệ An) chỉ có 40% đăng ký xét tuyển đại học trong nước. Số còn lại có nhu cầu xuất khẩu lao động, du học. Chính vì vậy, tư vấn định hướng nghề nghiệp cho học sinh được nhà trường triển khai từ lớp 10, giao cho giáo viên chủ nhiệm theo dõi, nắm bắt nhu cầu, năng lực, điều kiện từng em.

Cô Nguyễn Thị Hồng có gần 20 năm làm công tác chủ nhiệm chia sẻ, sự bùng nổ thông tin và nhiều nghề mới lạ là thách thức của công tác hướng nghiệp. Khi tài liệu ít, giáo viên khó nắm bắt hết xu hướng, con đường học sinh lựa chọn. Bên cạnh đó, kỹ năng tư vấn, hướng nghiệp không phải là thế mạnh và chuyên môn chính của giáo viên.

Theo cô Hồng, điều giáo viên có thể tư vấn cho học sinh là kinh nghiệm, trải nghiệm, hiểu biết xã hội. Bản thân cô luôn khích lệ các em đi theo đam mê, sở thích, năng lực bản thân và điều kiện thực tế gia đình. Dù lựa chọn con đường nào, trước hết các em phải trau dồi kiến thức, năng lực, rèn luyện kỹ năng để sẵn sàng đáp ứng yêu cầu tuyển sinh của cơ sở, đơn vị đào tạo.

can-nhung-canh-tay-noi-dai-1.jpg
Chương trình tư vấn tuyển sinh do cựu học sinh Trường THPT Diễn Châu 3 (Diễn Châu, Nghệ An) tổ chức thường niên. Ảnh: NTCC

Sớm chuyên nghiệp hóa

Hằng năm, thầy Trần Đình Huy - Bí thư Đoàn Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An thường dẫn đoàn, giáo viên chủ nhiệm và học sinh khối 12 tham gia các chương trình tư vấn tuyển sinh do Đoàn Thanh niên, các trường đại học, cao đẳng… tổ chức. Học sinh dân tộc nội trú là những hạt nhân được lựa chọn từ các huyện miền núi cao Nghệ An nên đều có mục tiêu thi vào đại học sau khi tốt nghiệp THPT.

Tham gia chương trình này, các em được nghe giáo viên, giảng viên, chuyên gia đến từ cơ quan quản lý Nhà nước, cơ sở đào tạo uy tín thông tin về quy định mới, xu hướng ngành nghề, thị trường lao động… Đồng thời giải đáp những băn khoăn, thắc mắc trong việc chọn ngành học, nghề phù hợp với năng lực bản thân, điều kiện kinh tế gia đình, phù hợp với xu thế việc làm trong tương lai.

Tại Trường THPT Diễn Châu 3 (Diễn Châu, Nghệ An), vào dịp sau Tết (âm lịch) hằng năm, hội cựu học sinh lại về trường tổ chức Ngày hội tư vấn tuyển sinh. Chương trình cung cấp nguồn kiến thức giá trị về xu hướng phát triển, thách thức và cơ hội trong các ngành nghề tương lai; cùng đó có sự tham vấn của chuyên gia nhiều lĩnh vực và trao đổi, chia sẻ từ kinh nghiệm bản thân, quá trình học tập đào tạo, làm việc của cựu học sinh nhà trường.

Theo thầy Phan Trọng Đông - Hiệu trưởng Trường THPT Diễn Châu 3, cựu học sinh là những “cánh tay nối dài” của cán bộ, giáo viên nhà trường trong tư vấn hướng nghiệp. Qua đó cập nhật thông tin mới nhất, hữu ích, phong phú từ người thật, việc thật. Chia sẻ thực tế từ các anh chị đi trước giúp học sinh có thêm kiến thức, động lực để phấn đấu phát triển bản thân sau đó trao đổi, học hỏi, mở rộng mối quan hệ, xác định rõ con đường tương lai.

Thầy Phan Trọng Đông chia sẻ, môn Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp bắt buộc trong Chương trình GDPT 2018, nhưng tài liệu không nhiều. Các thông tin liên quan đến xu hướng ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nhu cầu lao động cần thiết để định hướng nghề nghiệp sớm cho học sinh. Tuy nhiên, các nhà trường chưa được cung cấp nguồn thông tin chính thống về dự báo nhu cầu nguồn nhân lực theo từng giai đoạn, kể cả ngắn hạn hoặc trung hạn, định hướng phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Do vậy, nhà trường chủ động tổng hợp, nắm bắt thông tin đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước và địa phương, kịp thời cung cấp có sàng lọc, phù hợp về kinh tế, xã hội để học sinh tham khảo. Đồng thời phối hợp, tạo điều kiện để các trường đại học, doanh nghiệp đơn vị uy tín đến tư vấn, giao lưu, chia sẻ với học sinh.

Thống kê thông tin ngành nghề học tập, việc làm của các khóa học sinh sau tốt nghiệp THPT để có dữ liệu tư vấn hướng nghiệp. Dù vậy, các giải pháp này chỉ mang tính cục bộ, nhà trường mong muốn có nguồn tài liệu đầy đủ, tin cậy, chính thống được xây dựng nhằm phục vụ công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh các cấp.

Theo thầy Phan Trọng Đông - Hiệu trưởng Trường THPT Diễn Châu 3, càng có nhiều thông tin uy tín, chính thống, cập nhật càng giúp công tác định hướng nghề nghiệp học sinh hiệu quả. Qua đó giúp các em đưa ra được lựa chọn ngành nghề đúng đắn, phù hợp nhất với năng lực bản thân cũng như điều kiện thực tế gia đình; hạn chế học sai ngành, trường, tránh gây tốn kém thời gian, tiền bạc của bản thân, gia đình và xã hội.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/huong-nghe-huong-nghiep-can-nhung-canh-tay-noi-dai-post725165.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/huong-nghe-huong-nghiep-can-nhung-canh-tay-noi-dai-post725165.html
Bài liên quan
Hướng nghề, hướng nghiệp: Xin đừng 'học đại'
Theo các chuyên gia, khi lựa chọn ngành nghề một cách nóng vội sẽ gây ra nhiều hệ lụy, triệt tiêu sở trường, năng lực thực sự của thí sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hướng nghề, hướng nghiệp: Cần những 'cánh tay' nối dài