Hướng nghề, hướng nghiệp: Xin đừng 'học đại'

08/04/2025 10:05

Theo các chuyên gia, khi lựa chọn ngành nghề một cách nóng vội sẽ gây ra nhiều hệ lụy, triệt tiêu sở trường, năng lực thực sự của thí sinh.

Không chọn theo phong trào

Tâm lý chung của phần lớn phụ huynh, học sinh trong chọn ngành, nghề là chọn ngành đang tăng trưởng nóng, khi ra trường có thu nhập cao, hoặc ngành được quảng bá rầm rộ… Ở chiều ngược lại, có em không biết thế mạnh của bản thân nên chọn bừa, miễn sao đỗ vào đại học.

PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý giáo dục (Học viện Quản lý Giáo dục) cho rằng, chọn ngành, nghề là một quyết định quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai mỗi người. Tuy nhiên, có nhiều học sinh và phụ huynh thường chạy theo xu hướng mà không cân nhắc đến sở thích, năng lực cá nhân dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc.

Khi học một ngành không đúng sở thích, các em dễ cảm thấy nhàm chán, học đối phó, không có động lực khám phá sâu. Điều này dẫn đến kết quả học tập không tốt và mất dần sự tự tin. Các em dễ cảm thấy áp lực khi đi làm, không phát huy được thế mạnh. Lâu dài, điều này có thể khiến các em mệt mỏi, mất phương hướng và thậm chí phải chuyển hướng nghề nghiệp, gây mất thời gian và công sức.

“Sau thời gian học mới nhận ra mình không phù hợp, các em có thể phải chuyển ngành, học lại, thậm chí làm trái ngành sau khi tốt nghiệp. Những ngành “hot” thường có lượng lớn sinh viên theo học, dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt sau khi ra trường. Khi đó, nếu không thực sự giỏi và đam mê, các em có thể gặp khó khăn trong tìm việc làm đúng chuyên môn”, vị chuyên gia cảnh báo, đồng thời đưa ra lời khuyên, các em nên dành thời gian tìm hiểu sở thích, điểm mạnh và yếu của mình.

Đặt câu hỏi: Mình thích làm gì? Mình giỏi lĩnh vực nào? Công việc nào làm mình hứng thú và muốn gắn bó lâu dài? Học sinh có thể làm các bài trắc nghiệm hướng nghiệp, tham khảo ý kiến thầy cô, cha mẹ hoặc những người đi trước trong ngành mà mình quan tâm.

Không chỉ nghe theo xu hướng, các em cần tìm hiểu ngành đó học những gì, yêu cầu gì, cơ hội việc làm ra sao, có thực sự phù hợp bản thân. Nên tham gia các buổi tư vấn hướng nghiệp, trải nghiệm thực tế nếu có cơ hội; tuyệt đối không chọn ngành chỉ vì theo số đông. Một ngành đang “hot” hôm nay chưa chắc vài năm tới còn cần. Quan trọng là ngành đó phù hợp với các em hay không.

Chọn nghề cần cân bằng giữa đam mê cá nhân và nhu cầu thực tế. Nếu yêu thích một ngành nhưng cơ hội việc làm thấp, hãy tìm cách bổ sung thêm kỹ năng hoặc hướng đi phù hợp để tăng cơ hội phát triển. Dù chọn ngành nào, các em cũng nên rèn luyện khả năng học hỏi, thích nghi với sự thay đổi của xã hội. Kiến thức đại học là nền tảng, nhưng kỹ năng mềm, kinh nghiệm thực tế và tinh thần cầu tiến mới là yếu tố quyết định sự thành công trong công việc.

xin-dung-hoc-dai-1.jpg
Công tác hướng nghiệp cho học sinh cần được làm từ sớm. Ảnh minh họa: Khôi Nguyên

Vai trò đồng hành của phụ huynh

Theo cô Đỗ Khánh Phượng - Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Hermann Gmeiner (Hà Nội), phụ huynh hỗ trợ con em trong định hướng nghề nghiệp bởi nhiều yếu tố: Kinh tế gia đình, cơ hội nghề nghiệp ra sao, sở thích của bố mẹ (bắt con thực hiện ước mơ của người lớn), quan hệ gia đình mà ít khi chú ý đến năng lực của con. Khi đó, trẻ chống đối, làm ngược lại hoặc thụ động nghe theo, không dám thực hiện ước mơ của mình. Bên cạnh đó có một số học sinh chọn nghề do cha mẹ định hướng, yêu thích, hiểu nghề, có năng lực về nghề đó nhưng số này không nhiều.

Dưới góc nhìn nhà tuyển dụng, ông Phạm Xuân Hiếu - Phó Trưởng phòng Kinh doanh, Công ty CP Telematic (Hà Nội) nêu quan điểm, phải hiểu đích cuối cùng của chúng ta là gì? Là công việc và cuộc sống nên hãy làm những gì chúng ta thích và đúng sở trường, năng lực, có như vậy mới phát huy thế mạnh của bản thân để đóng góp tốt cho gia đình và xã hội. Cùng đó là cơ hội nghề nghiệp của ngành mình lựa chọn, xu thế thị trường thế nào? Điều kiện hoàn cảnh kinh tế gia đình có phù hợp và định hướng chuyên nghiệp khi học đại học hoặc trường dạy nghề.

Ông Hiếu cho rằng, học sinh cần chuẩn bị phương án 2 nếu chẳng may thất bại. Rất có thể bản thân sẽ không đỗ vào trường đại học mong ước, thì hãy chuẩn bị sẵn tinh thần cho hướng đi khác. Đại học không phải là con đường duy nhất để bước vào đời và thành công. Các em có thể thành công bằng những con đường khác, từ đó làm nên một xã hội nhiều màu sắc mà ở đó có những con người giỏi và năng động trong mọi lĩnh vực.

“Chọn ngành không phải là chọn một tấm bằng, mà là chọn con đường dài cho tương lai. Vì vậy, hãy cân nhắc kỹ lưỡng, lắng nghe chính mình và chuẩn bị chu đáo trước khi quyết định. Chỉ khi học đúng ngành phù hợp với năng lực và đam mê, các em mới có thể phát huy hết khả năng và hạnh phúc với sự lựa chọn của mình”. - PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/huong-nghe-huong-nghiep-xin-dung-hoc-dai-post725163.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/huong-nghe-huong-nghiep-xin-dung-hoc-dai-post725163.html
Bài liên quan
Hướng nghề, hướng nghiệp: Hiểu bản thân để chọn đúng ngành nghề
Tư vấn hướng nghiệp chuyên sâu không chỉ giúp học sinh hiểu rõ về ngành học, cơ hội nghề nghiệp...

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hướng nghề, hướng nghiệp: Xin đừng 'học đại'