Tổng thống Indonesia Joko Widodo có kế hoạch chuyển đến thủ đô mới Nusantara, sớm nhất là vào cuối tháng 6, theo thông tin từ Bộ trưởng Bộ Công trình công cộng và nhà ở Indonesia Basuki Hadimuljono.
Trao đổi với trang detikFinance hôm 3-6, ông Hadimuljono cho biết ông Widodo sẽ "dời đô" khi nước sạch sẵn sàng trong các văn phòng chính phủ và các khu nhà ở cấp bộ. Dự kiến ngày 7-6, máy bơm nước sẽ được đưa đến, việc lắp đặt có thể hoàn tất cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7.
Theo kế hoạch, tân thủ đô Nusantara sẽ được khánh thành vào dịp kỷ niệm Ngày Độc lập của Indonesia, tức ngày 17-8 tới.
Chính phủ đang chạy đua xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết cho đợt di dời đầu tiên gồm 12.000 công chức vào tháng 9. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị trì hoãn 2 lần trong bối cảnh có nhiều người từ chức cũng như thiếu nguồn vốn tư nhân cho việc xây dựng thủ đô mới.
Gần đây nhất, ông Bambang Susantono, người đứng đầu chính quyền TP Nusantara, cùng với cấp phó Dhony Rahajoe đã bất ngờ từ chức. Hai ông này vốn chịu trách nhiệm giám sát siêu dự án xây thủ đô mới.
Tổng thống Widodo đã bảo đảm với công chúng rằng việc xây dựng sẽ tiếp tục bất chấp những trở ngại.
Bản phác thảo của chính quyền Indonesia về tân thủ đô Nusantara Ảnh: BỘ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG VÀ NHÀ Ở INDONESIA
Cùng ngày 3-6, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Indonesia Budi Karya Sumadi cho biết sân bay Nusantara sẽ sẵn sàng hoạt động vào ngày 1-8. Trong chuyến thăm mới nhất, ông Budi Karya ghi nhận tiến độ vượt bậc ở khu vực đường băng và các nhà ga hàng không.
Bộ trưởng Budi Karya cũng chia sẻ rằng hệ thống vận chuyển đường sắt tự hành (ART) sẽ sẵn sàng thử nghiệm vào tháng 8, trước đó là thử nghiệm dịch vụ taxi bay đầu tiên vào tháng 7.
TP Nusantara được xây dựng từ tháng 7-2022 giữa những khu rừng thuộc tỉnh Đông Kalimantan nằm trên đảo Borneo.
Theo các quan chức chính phủ , việc phát triển thủ đô mới chủ yếu do Jakarta, thủ đô hiện tại của Indonesia, đang phải đối mặt với quá nhiều thách thức môi trường.
Vùng siêu đô thị 30 triệu dân này phải vật lộn với lũ lụt, kẹt xe thường xuyên trong khi không khí ô nhiễm và nguồn nước uống thiếu hụt. Jakarta cũng đang lún nhanh do nước ngầm bị khai thác quá mức, khiến khoảng 40% diện tích thành phố hiện ở dưới mực nước biển.