Các nhà khoa học của Đại học Ben-Gurion (Israel) cho biết, nghiên cứu mới đã phát hiện, chất làm ngọt nhân tạo được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chấp thuận có thể khiến vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh bị bệnh. Từ đó, dẫn đến sự khó chịu và gây các vấn đề tiêu hóa.
Các nhà nghiên cứu đã công bố phát hiện vào tháng 9 trên Tạp chí Khoa học Phân tử Quốc tế. Nhóm nghiên cứu đã xem xét 6 chất làm ngọt nhân tạo thường được sử dụng. Kết quả cho thấy, không chất nào trong số này có khả năng tiêu diệt vi khuẩn. Song, 3/6 chất này có khả năng làm giảm đáng kể khả năng giao tiếp của vi khuẩn.
Để kiểm tra chất tạo ngọt, nhóm nghiên cứu đã tìm kiếm trong các thực phẩm thể thao. Họ đã kiểm tra aspartame, saccharin, sucralose, acesulfame potassium (Ace-K), Advantame và neotame. Ba chất aspartame, sucralose và saccharin được phát hiện có khả năng ức chế đáng kể sự giao tiếp của vi khuẩn. Ít nhất 1/3 chất này được tìm thấy trong tất cả các thực phẩm thể thao mà họ đã thử nghiệm.
Trưởng nhóm nghiên cứu - Tiến sĩ Karina Goldberg cho biết: “Việc vi khuẩn sử dụng cảm ứng đại biểu để giao tiếp với nhau đã cách mạng hóa sự hiểu biết của chúng tôi. Đồng thời, cho phép chúng tôi đưa ra câu trả lời rõ ràng hơn. Chất làm ngọt nhân tạo làm gián đoạn sự giao tiếp đó. Điều này cho thấy, chất làm ngọt nhân tạo có thể gây vấn đề về lâu dài".
Trong khi đó, nhà nghiên cứu Ariel Kushmaro lưu ý, có rất ít nhãn ghi chính xác về chất tạo ngọt nhân tạo trên các sản phẩm. Điều này gây khó khăn cho người tiêu dùng trong việc biết mỗi sản phẩm chứa bao nhiêu chất làm ngọt nhân tạo.
“Nghiên cứu của chúng tôi sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp thực phẩm đánh giá lại việc sử dụng chất làm ngọt nhân tạo”, nhà nghiên cứu Kushmaro nhấn mạnh.