Mặc dù là nguồn hậu thuẫn lớn nhất về quân sự và tài chính cho Hezbollah, Iran đến nay vẫn giữ thái độ im lặng trước tình hình căng thẳng ở Lebanon.
Binh sĩ Iran bảo vệ một bệ phóng tên lửa (ảnh: DW)
Điều gì đằng sau sự kiềm chế của Tehran?
Nhiều đồn đoán cho rằng Israel có thể mở chiến dịch tấn công trên bộ nhằm vào Hezbollah – lực lượng ở Lebanon được Iran tài trợ, trang bị và huấn luyện. Phản ứng của Iran là giữ im lặng.
Trước đó, Iran cũng giữ im lặng khi Lebanon liên tiếp hứng chịu các đợt không kích từ quân đội Israel, khiến hàng trăm người thiệt mạng, bao gồm cả các chỉ huy cấp cao của Hezbollah.
Giải thích về động thái của Iran, Burcu Ozcelik – chuyên gia cao cấp về an ninh Trung Đông tại Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia (RUSI) có trụ sở tại London, Anh – cho rằng, Iran hiện “không muốn đối đầu trực tiếp” với Israel để bảo vệ Hezbollah.
“Điều đó có thể dẫn đến cuộc đối đầu quân sự trực tiếp với Israel”, bà Ozcelik nói.
Quan điểm trên được Fabian Hinz – chuyên gia phân tích an ninh tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế Anh (IISS) – đồng tình.
“Tôi cho rằng Iran khó có thể can thiệp quân sự ở Lebanon”, ông Hinz nói.
Về sự im lặng của Iran, Hamidreza Azizi – chuyên gia tại Viện các vấn đề quốc tế và an ninh Đức – lý giải:
“Các nhà lãnh đạo Iran tin rằng, tình hình xung đột hiện tại vẫn chưa đến mức khiến Hezbollah đối mặt với nguy cơ tồn vong”.
Theo ông Aziz, với tần suất không kích của Israel, Hezbollah đến nay vẫn còn khả năng tự vệ và chưa phải chịu tổn thất đáng kể.
“Ngoài ra còn một vấn đề thực tế là Iran khó có thể làm gì hơn để hỗ trợ Hezbollah. Khoảng cách địa lý khiến Iran gặp hạn chế nếu muốn hỗ trợ quân sự trực tiếp cho Hezbollah”, ông Aziz nói.
Về mặt lãnh thổ, Iran không giáp Lebanon, theo DW.
Tháng 4 năm ngoái, Iran đã tiến hành một cuộc tập kích quy mô lớn bằng UAV và tên lửa nhằm vào Israel, nhưng không gây thiệt hại đáng kể.
Thêm vào đó, vụ ám sát gần đây nhằm vào thủ lĩnh Hamas (ông Ismail Haniyeh) tại Tehran (thủ đô Iran) và vụ việc hàng nghìn máy nhắn tin, hàng trăm bộ đàm phát nổ ở Lebanon (ngày 17 – 18/9) đã “làm nổi bật” khả năng tình báo của Israel ở Iran và Trung Đông.
Những sự kiện này đã làm suy yếu một phần sức mạnh răn đe và uy tín của Iran, theo ông Aziz.
Chuyên gia tại Viện các vấn đề quốc tế và an ninh Đức cho rằng, Iran sẽ phải chịu tổn thất về uy tín lớn hơn nữa nếu can thiệp vào cuộc xung đột Israel – Hezbollah mà không mang lại kết quả.
“Chúng tôi tin rằng Hezbollah có khả năng tự vệ”, Phó Tổng thống Iran – ông Javad Zarif – nói hồi đầu tuần.
Năm 2021, thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah tuyên bố tổ chức này có 100.000 chiến binh và kho tên lửa có thể tấn công tất cả các khu vực của Israel.
Dẫn một báo cáo của Quốc hội Mỹ, Reuters hôm 25/9 đưa tin, Hezbollah sở hữu khoảng 150.000 rocket và tên lửa các loại.
Thủ đô Beirut của Lebanon bị không kích (ảnh: Reuters)
Điều gì khiến Iran hành động?
Bà Burcu Ozcelik – chuyên gia tại RUSI – cho rằng, trong kịch bản Hezbollah mất đi các vũ khí chiến lược và mất năng lực đáp trả Israel, Iran sẽ buộc phải hành động.
Theo bà Ozcelik, nếu Hezbollah suy yếu quá mức, Iran có thể mất đi “khả năng răn đe” trong trường hợp bị Israel tấn công vào các cơ sở hạt nhân.
Bà Ozcelik cho rằng Iran đang chọn cách kéo dài thời gian để đưa ra cách tiếp cận phù hợp và hỗ trợ nhằm khôi phục khả năng chiến đấu của Hezbollah.
Fabian Hinz – chuyên gia tại IISS – cho rằng Iran sẽ không “bỏ rơi” Hezbollah và sẽ cung cấp thêm vũ khí, gửi cố vấn quân sự cho lực lượng này.
“Iran đã nhiều lần dựa vào Hezbollah để tấn công Israel”, ông Hinz nói.
Ngoài Hezbollah, Iran còn liên kết với nhiều lực lượng khác ở Trung Đông như Hamas (ở Dải Gaza), Houthi (ở Yemen) và Lực lượng dân quân người Shiite (ở Iraq).
“Iran không muốn trở thành đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi xung đột”, bà Ozcelik nói.